Nông sản sạch “giá chát” mua bằng…niềm tin

Hiện nay, trên các trang mạng xã hội, facebook rao bán nhan nhản các sản phẩm nông sản sạch phục vụ nhu cầu người nội trợ. Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại nhiều cửa hàng bán nông sản sạch, khách hàng phải trả giá khá cao nhưng chủ yếu mua bằng... niềm tin, không kiểm soát được về chất lượng.

Đắt gấp đôi vẫn không mua được hàng có xuất xứ

Tâm lý lo ngại sợ sản phẩm nông sản “ngậm hóa chất” trong khi hệ thống phân phối nông sản sạch còn manh mún chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này, “tạo điều kiện” cho việc xuất hiện ngày một nhiều các cửa hàng, điểm bán nông sản sạch, gian hàng nông sản sạch online bằng những tên gọi “xua tan” nỗi lo người tiêu dùng như Nông sản ngon – sạch; Nông sản Mộc Châu chính hiệu; Nông sản an toàn… Tuy nhiên, trong số này, không phải điểm bán hàng nào cũng cung cấp cho khách hàng sản phẩm thật sự sạch như lời mời chào.

Nông sản sạch “giá chát” mua bằng…niềm tin - 1

Nông sản sạch vẫn kén khách vì giá cao.

Từng thất vọng khi mua nông sản sạch qua mạng Internet, chị Lê Thị Trinh, phố Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng thuộc diện hay đi săn thực phẩm sạch. Có lần nghe chị bạn giới thiệu cho địa chỉ bán nông sản sạch trên mạng, tôi đã đặt mua. Tuy nhiên, lúc nhận hàng thì thấy rất ấm ức, giá cao gấp đôi, gấp ba ngoài thị trường mà phải mua từ 5kg mới được giao hàng tại nhà, nhưng tất cả các sản phẩm này đều hoàn toàn không tem nhãn”.

Hôm đó, chị Trinh đã mua 2kg cải ngọt giá 60.000 đồng; quả susu 20.000 đồng/kg; cà rốt 30.000 đồng/kg; hồng Bảo Lâm 90.000 đồng/kg. Khi nhận hàng, tất cả các loại rau củ đều được bỏ trong túi ni lông, không tem nhãn.

“Tôi gọi điện thắc mắc thì chủ hàng trấn an: “Yên tâm đi, rau Mộc Châu đảm bảo sạch 100%”. Ăn được đúng rau củ quả sạch thì yên tâm nhưng bây giờ nhiều hàng nhái quá, họ nói sạch mà mình vẫn sợ bẩn. Theo tôi, nếu kinh doanh thực phẩm sạch phải khác với rau thường, có tem nhãn đàng hoàng để người tiêu dùng yên tâm. Đã phải trả giá cao mà không biết rõ xuất xứ, chất lượng thì rất khó chịu. Chưa kể tối đó, hai đứa con nhỏ của tôi bị đau bụng tiêu chảy trong khi bữa tối chỉ ăn rau cải ngọt, gà mang từ quê lên”, chị Trinh bức xúc.

Bà Lê Thị Bình, phố hàng Than, quận Hoàn Kiếm, thì cho biết: “Gia đình tôi, ăn rau sạch từ lâu  rồi nhưng không phải lúc nào có tiền là mua được rau như ý mà lượng hàng hóa không ổn định, địa chỉ cung cấp rau cho chúng tôi thường xuyên hết hàng. Nhưng vì chưa tìm được địa chỉ nào đạt tiêu chuẩn và thuận tiện nên gia đình tôi thỉnh thoảng lại có những bữa cơm thiếu rau xanh”.

Theo bà Diệu Linh, đại diện cửa hàng Nông sản ngon, chuyên cung cấp nông sản sạch, ở phố Hoàng Ngân, Trung Hoà, Cầu Giấy) nhiều loại nông sản dù không phải là chính vụ trồng ở trong nước, nhưng vẫn được rao bán trên mạng là nông sản sạch. Nếu là rau củ được trồng tại Đà Lạt, Ba Vì, Mộc Châu… sản lượng thường có hạn, hình thức không bắt mắt và giá đắt gấp 2, 3 lần giá rau trên thị trường. “Việc trà trộn hàng không xuất xứ, tem nhãn rồi gán chữ “sạch” rao bán đã ảnh hưởng không ít đến những người kinh doanh sản phẩm sạch chính hiệu”, bà Diệu Linh bày tỏ.

Những lời rao mùi mẫn

Nông sản sạch “giá chát” mua bằng…niềm tin - 2

Gian hàng nông sản sạch online không tem nhãn. Ảnh: T.G

Nick name Linhrau… rao rằng: “Cả nhà mình đã ai ăn bí thơm Đông Khê chưa? Nếu chưa ăn phải nên ăn thử. Ai bảo Việt Nam mình không có những giống hoa màu đặc biệt. Bí thơm Đông Khê một nông sản đặc biệt của bà con miền núi Cao Bằng mà Linhrau… vừa sưu tầm được, cực sạch và an toàn. Hãy một lần thưởng thức sản phẩm này trong bữa cơm gia đình, giá bí thơm Đông Khê 70.000 đồng/kg (bán nguyên quả) 1 quả nặng trên dưới 3kg nha cả nhà”.

Hay: “Hồng Bảo Lâm ngâm suối “xịn", ăn rồi là nghiện, khách mình bảo thế. Hôm nay, em còn 5kg nhưng em bán 3kg thôi, còn lại để nhà ăn vì sắp hết mùa rùi măm tranh thủ hàng vừa ngon, vừa sạch”, status từ nichname Linhrau…

Trong vai khách hàng, chúng tôi hỏi mua bí Đông Khê thì nickname Linhrau… khẳng định: “Hàng sạch 100%, tự tay đi nhập tại vườn người dân Cao Bằng. Ăn thì biết, em toàn bán cho khách quen. Em bán để lần sau còn gặp lại chứ không bán cho khách chạy, tin nhau là chính chị ạ”.

Có không ít người kinh doanh nông sản sạch nghiệp dư nhưng rao bán khá chuyên nghiệp và có đội ngũ “khách ruột” sẵn sàng mở ví: “Em bán cam Hòa Bình xịn cực sạch - tươi ngon, cất từ chủ vườn cam Cao Phong. Ai mua nhanh tay Inbox trong tuần này có hàng nhé. Chỉ 1 thùng 10kg (không cắt lẻ) thời gian cho vụ cam không dài, nên nhanh tay đặt hàng nhé”, nick name Thuyminh07... rao bán. Status này đã nhận được khá nhiều like, “còm” và lượng khách đặt hàng.

Nên mua rau củ đúng mùa, ở nơi uy tín

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, thị trường nông sản sạch ở Việt Nam chưa có hệ thống sản xuất và phân phối đồng nhất. Giá nông sản sạch đắt nên chỉ người tiêu dùng nào có điều kiện mới có thể tiếp cận. Bản thân nhà cung cấp nông sản sạch cũng gặp nhiều thách thức vì giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Việc mở rộng sản xuất không khó, điều kiện có, công nghệ có nhưng không đồng bộ trong phân phối đang gây khó cho những người kinh doanh sản phẩm này. Hơn nữa, những người kinh doanh sản phẩm nông sản sạch chưa chú trọng xây dựng thương hiệu khiến tình trạng giả nhái tràn lan.

Với kinh nghiệm của nhà cung cấp hàng nông sản sạch, bà Diệu Linh, đại diện cửa hàng Nông sản ngon khuyến cáo, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua rau củ quả đúng mùa, sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.

Một chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho rằng: “Rất khó để biết được nông sản có sạch hay không bằng cảm quan. Người tiêu dùng không thể cứ mua rau ăn mỗi ngày lại mang đến phòng thí nghiệm kiểm tra. Thực phẩm sạch không thể dựa trên thành phẩm đầu ra, mà phải đảm bảo từ việc chọn mua từ các nguồn cung có uy tín. Người tiêu dùng khi mua nông sản phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ”.

Đến thời điểm hiện tại mới có cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng hệ thống nhãn hiệu riêng cho các sản phẩm nông sản của địa phương mình. Việc đó không chỉ tạo được niềm tin mà còn là hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trước hiện trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đông An (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN