Nhiều người không biết “soi” thịt heo bằng smartphone là gì!

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều người tiêu dùng TP HCM không biết và không mặn mà với việc "soi" tem kiểm tra nguồn gốc thịt heo.

Sáng chủ nhật (18-12), quầy thịt heo ở Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) đông nghẹt khách. Quan sát khá lâu ở quầy thịt của Công ty Vissan, chúng tôi ghi nhận nhân viên bán hàng chọn thịt, cân bán cho khách bình thường. Mấy chục con tem nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo vẫn nằm trên quầy do không ai dùng đến.

Hỏi thăm một số khách đứng mua thịt có biết thông tin về kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng cách “soi” tem nhận diện trên máy soi hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh (smartphone) không, tất cả khách hàng đều lắc đầu. Thắc mắc với nhân viên đứng quầy thì được trả lời là có thể “soi” được nhưng siêu thị chưa lắp máy soi, khách hàng có nhu cầu kiểm tra thì tự tải phần mềm về kiểm tra. Tuyệt nhiên không có hướng dẫn gì thêm.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số siêu thị khác..

Nhiều người không biết “soi” thịt heo bằng smartphone là gì! - 1

Kết quả "soi" tem sẽ cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin về trại nuôi, cơ sở giết mổ, địa điểm phân phối từng miếng thịt heo

Trao đổi với chúng tôi, một số doanh nghiệp tham gia chương trình cho biết chưa cập nhật sức tiêu thụ của mặt hàng thịt heo có thể truy xuất nguồn gốc, cũng chưa thăm dò phản ứng của người tiêu dùng đối với chương trình. Tuy nhiên, doanh nghiệp lo ngại người tiêu dùng sẽ không mặn mà với việc “soi” tem kiểm tra nguồn gốc thịt.

Theo các doanh nghiệp, thịt heo bán tại các hệ thống siêu thị đã được kiểm soát chặt về an toàn vệ sinh thực phẩm nên việc người tiêu dùng kiểm tra thịt bán ở kênh này chỉ mang tính hình thức, có thể khách hàng tò mò làm thử 1-2 lần nhưng khó tạo thành thói quen.

Còn ở kênh chợ truyền thống (đang chiếm hơn 80% lượng thịt tiêu thụ trên toàn TP HCM), việc vận động tiểu thương dán tem lên từng miếng thịt, khách hàng “soi” mỗi khi mua lại càng khó hơn. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết về chương trình để họ chủ động tham gia kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo. Có như vậy mới tác động mạnh đến các nhà sản xuất, cung ứng thịt trong việc tham gia chương trình để qua đó tăng cường trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân TP HCM.

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai thí điểm từ ngày 16-12 đến 1-3-2017, sau đó sẽ triển khai chính thức.

Hiện tại, việc truy xuất nguồn gốc được áp dụng tại các hệ thống phân phối của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (gồm Co.op Xtra, Co.opmart, Co.op Food), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (siêu thị Sài Gòn, cửa hàng Satra Food), hệ thống cửa hàng Vissan, Cocomart, Auchan, Aencitimart, Queenland; các hệ thống Sagrifood, BigC, Lottemart, Aeon VN và C.P sẽ áp dụng sau để 1-2 tuần nữa sẽ áp dụng tại một số chợ truyền thống.

Thịt heo được quản lý bởi chuỗi ứng dụng công nghệ, ở khâu cuối cùng, người tiêu dùng chỉ cần “soi” tem nhận diện bằng giấy có in mã vạch chứa đầy đủ thông tin liên quan đến con heo từ lúc xuất chuồng đến khi bán cho khách hàng. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng ứng dụng miễn phí TE-FOOD trên Smartphone, máy kiểm tra tại chợ hay.

Chương trình sẽ trang bị máy soi tem cho các chợ, còn các hệ thống bán lẻ sẽ tự trang bị máy này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương An (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN