“Nhạc" nào cũng nhảy, anh Yên quyết không chịu yên mà thu tiền tỷ

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ nuôi gà đẻ trứng thương phẩm đến thả cá, ba ba… anh Vũ Văn Yên (SN 1971) ở thôn Nội, xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, Hải Dương đã biến chuyển cả những cánh đồng, mảnh ruộng từ chỗ ngút ngàn cỏ lác thành trang trại cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Từ triền đê xã Minh Hòa nhìn xuống toàn một màu xanh trù phú bao phủ khu chuyển đổi bãi Giá, bãi Thoi của xã. Dẫn chúng tôi đi, cậu cán bộ trẻ của Hội ND tỉnh Hải Dương bộc bạch: “Đường ngoằn nghèo nhưng nhà anh Yên dễ tìm lắm. Cứ thấy ngôi nhà nào “oách” nhất khu chuyển đổi, ấy là nhà anh Yên”.

Nuôi ba ba, nuôi gà, nuôi cá...

“Nhạc" nào cũng nhảy, anh Yên quyết không chịu yên mà thu tiền tỷ - 1

Trang trại gà đẻ trứng thương phẩm được anh Yên đầu tư nuôi theo quy trình chuẩn, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, được cho ăn đầy đủ và uống nguồn nước sạch đã qua kiểm định và tiêm phòng vaccine đầy đủ. Ảnh: T.H

Quả thật, ngôi nhà anh Yên ở khang trang, rộng rãi với hai bên đường vào trang trại là những hàng cau thẳng tắp, tỏa bóng xanh mát. Chúng tôi đến khi anh Yên đang say sưa trao đổi kinh nghiệm nuôi ba ba gai với các hộ dân ở khu chuyển đổi.

"Để phát triển kinh tế trang trại, tôi chọn phương thức đa canh, lấy ngắn nuôi dài để phân tán rủi ro trong nông nghiệp. Như thời gian vừa qua, giá gà xuống thấp thì tôi lại có thu nhập từ cá. Hay như nuôi ba ba gai phải mất 3 năm mới có thu hoạch thì trong thời gian đó lại phải lấy gà, cá “phục vụ” thức ăn cho thằng ba ba”. 

Anh Vũ Văn Yên

Theo anh Yên, anh mới nuôi ba ba gai được 3 năm, nhưng vụ thu hoạch đầu tiên đã mang lại hiệu quả rõ ràng. Chỉ với diện tích 300m2, nuôi 300 con ba ba, nhưng anh Yên thu về hơn 300 triệu, trừ chi phí còn thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện anh Yên còn gần 3.000 con ba ba gai nữa chưa thu hoạch.

Anh Yên cho biết, ba ba gai ăn các loại cá tạp, ốc. Nhưng ba ba thích ăn nhất là cá mè tươi băm nhỏ. Lượng thức ăn mỗi ngày dao động từ 3 – 5% trọng lượng của ba ba, trung bình cứ 1kg ba ba thịt cần 8 - 10kg cá mè. Giống ba ba gai hợp với khí hậu miền Nam, thời tiết 20 độ C trở lên mới ăn. Với thời tiết miền Bắc trong 3 tháng mùa Đông, ba ba chỉ nằm dưới bùn mà không ăn.

“Người nuôi phải hiểu ba ba. Nếu cho ăn ngày nào cũng giống nhau thì ngày nóng ba ba ăn thiếu, ngày rét lạnh ba ba không ăn hết gây lãng phí và dễ bị ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng. Đặc biệt, cách cho ba ba ăn cũng rất cầu kỳ, không tung vãi thức ăn như nuôi các loại thủy sản khác mà cá mè sau khi làm sạch ruột, băm nhỏ thì thả thức ăn vào sàng treo ngập nước 20 – 25cm. Làm như vậy, mồi ăn không bị lẫn xuống bùn, nước không bị ngầu đục” - anh Yên cho hay.

Rời ao nuôi ba ba, anh Yên dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi gà đẻ trứng thương phẩm được đầu tư rất bài bản và hiện đại. Khác hẳn với cái nóng hầm hập, oi bức bên ngoài, vào trong trại gà trứng của Yên có điều hòa mát lạnh. Đáng chú ý, dù nuôi gà với quy mô lớn hàng chục nghìn con, nhưng trang trại rất sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi hôi thối. Cầm trên tay những quả trứng gà còn nóng hổi, anh Yên bộc bạch: “Để cho ra lò những quả trứng gà sạch, tươi ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, trang trại luôn chú trọng đến nguồn giống chất lượng và quy trình kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo. Tại đây, gà giống được chọn là những con gà khỏe mạnh, được nuôi theo quy trình khép kín, phân chia theo từng tháng tuổi. Gà được nuôi theo quy trình chuẩn, cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài, được cho ăn đầy đủ và uống nguồn nước sạch đã qua kiểm định và tiêm phòng vaccine đầy đủ.

“Nhạc" nào cũng nhảy, anh Yên quyết không chịu yên mà thu tiền tỷ - 2

Theo anh Yên, thả thức ăn vào sàng treo ngập nước người nuôi dễ kiểm soát lượng thức ăn cho ba ba. Ảnh: T.H

Không chỉ say mê nuôi ba ba, mát tay nuôi gà, anh Yên còn là đầu tiên mạnh dạn thử nghiệm và thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy chảy qua địa phận xã Minh Hòa. Hiện, với 20 lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng anh Yên là người có quy mô nuôi cá lồng lớn nhất xã Minh Hòa.

Anh Yên cho biết: “Tôi luôn tâm niệm muốn chăn nuôi hiệu quả thì ngoài việc yêu nghề, yêu lao động còn phải thật năng động và quyết đoán. Sở dĩ tôi không đi sâu, chuyên 1 loại vật nuôi chủ lực mà “nhạc” nào cũng nhảy, chọn phương thức đa canh, lấy ngắn nuôi dài để phân tán rủi ro trong nông nghiệp. Như thời gian vừa qua, giá gà xuống thấp thì tôi lại có thu nhập từ cá. Hay như nuôi ba ba gai phải mất 3 năm mới có thu hoạch thì trong thời gian đó lại phải lấy gà, cá “phục vụ” thức ăn cho ba ba” - anh Yên hóm hỉnh giải thích.

Tên là Yên nhưng không chịu yên phận

Sinh ra và lớn lên ở vùng chiêm trũng, vùng đất được ví là nơi “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng”, hơn ai hết, anh Yên thấu hiểu sự vất vả, khó khăn của người làm nông nghiệp. Nhà nghèo, đông con nên tuổi thơ cơ cực của anh gắn bó với cánh đồng thôn Nội nhiều hơn là mái trường. Học xong cấp 2 anh Yên nghỉ học, bám vào sông nước theo thuyền đi đội đá, đội cát thuê. Có những ngày làm thuê mệt đến thừa sống thiếu chết nhưng anh Yên vẫn cắn răng tự nhủ bản thân cố gắng. Sau vài năm làm lụng vất vả, anh Yên tích cóp mua được chiếc thuyền nhận chở thuê hàng hóa. Dần dà cuộc sống cũng đỡ khốn khó hơn.

Năm 1993, khi Đảng ủy, chính quyền xã Minh Hòa có chủ trương cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Yên là người đầu tiên chọn bãi Thoi làm nơi gây dựng cơ nghiệp. Anh Yên bộc bạch: “Công việc chở thuyền thuê cũng có thu nhập nhưng vất vả, lại hay phải đi xa. Khi xã có chủ trương mới, tôi quyết định chuyển nghề, thuê lại một số diện tích thuộc bãi Thoi để lập trang trại phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, ngay lập tức ý định của tôi bị mọi người trong gia đình phản đối. Nhiều người cho tôi là gàn dở vì lúc đó bãi Thoi trũng, thấp, cấy lúa khó khăn. Thậm chí có chỗ cỏ lăn, cỏ lác còn mọc cao quá đầu người”.

Những ngày đầu tiên, vợ chồng anh Yên phải men theo những lối đi nhỏ, hẹp, lội ruộng sình lầy ngập gần đến đầu gối để có từng viên gạch kè ao, xây dựng chuồng trại. Thời bấy giờ, máy móc chưa nhiều như bây giờ, nhiều công đoạn vợ chồng anh Yên phải làm thủ từ cắt cỏ, vớt bèo, cải tạo khoanh bờ vùng, chia lô thửa...

“Mất một thời gian khá dài vắt kiệt sức lực mà chưa đâu vào đâu nhưng vợ chồng tôi không có ý định bỏ cuộc. Chúng tôi tự động viên nhau vượt qua khó khăn phía trước, mỗi ngày làm một ít, nhiều khi làm việc quên cả giờ giấc” - anh Yên nhớ lại. Khoảng 2-3 năm sau khi cải tạo, vườn, ao đã được vượt lập tương đối nhưng anh Yên không vội trồng trọt, chăn nuôi mà dùng nhiều biện pháp “thau chua, rửa mặn” để cải tạo, tăng sự màu mỡ, độ phì nhiêu cho đất.

Đến giờ, anh Yên vẫn không quên cảm xúc vui mừng khi được thu hoạch mẻ cá đầu tiên. Khi thấy những con cá to, khỏe quẫy đuôi mạnh trong lưới, anh phải dụi mắt và… bấu mạnh vào cánh tay để chắc chắn rằng đó không phải là một giấc mơ.

Tuy nhiên, có những thời điểm vợ chồng anh rơi nước mắt khi bao công sức, hy vọng dồn nén lại tiêu tan thành mây khói do phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường. Đó là năm 2002, hàng loạt ba ba mắc bệnh và chết làm gia đình anh thất thoát hơn 150 triệu đồng. Rồi khi dịch H5N1 bùng phát, thành quả lao động bấy lâu bỗng chốc tiêu tan.

Mạnh dạn đầu tư, không quản ngại gian khó, giờ đây trang trại của anh Yên là một trong những trang trại có quy mô lớn trong huyện Kinh Môn với tổng diện tích hơn 5,5 mẫu. Từ trồng khoảng 500 gốc cau, nuôi 16.000 gà đẻ trứng và hơn 3.000 con ba ba gai, nuôi 20 lồng cá, bình quân mỗi năm gia đình anh Yên thu lãi 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn cung ứng cá giống và thức ăn chăn nuôi cho những hộ dân có nhu cầu. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Yên có thêm khoản thu 500 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thu Hà (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN