Loạn dịch vụ ăn theo "ngày tận thế"

Nếu lịch Maya nói đúng, tận thế sẽ xảy ra vào ngày 21/12/2012. Và các doanh nghiệp Âu - Mỹ đã không bỏ lỡ cơ hội này để làm giàu.

Do không thể hình dung ngày tận thế ra sao, người Mỹ tin rằng chỉ có những người thiếu hiểu biết mới chết, còn ai biết chuẩn bị thì sẽ sống sót. Chẳng hạn như sống trong boong-ke (hầm trú ẩn) chống được cả phóng xạ bom nguyên tử thì dứt khoát không thể chết.

Dịch vụ kinh doanh "hầm trú ẩn"

Kinh doanh boong-ke ở Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt khi kim đồng hồ đếm ngược “ngày tận thế” đã được kích hoạt. Một trong những “đại gia” trong ngành kinh doanh sản phẩm đặc biệt này là Ron Hubbard, người chuyên xây dựng boong-ke từ năm 1981 và từng đoạt giải thiết kế.

Công ty Atlas Survival Shelters của Hubbard có trụ sở chính tại California sản xuất theo đơn đặt hàng boong-ke chống thiên tai, chống bom nguyên tử và bây giờ là chống tận thế! Công ty này sống khỏe nhờ bán được trung bình mỗi tháng 1 hoặc 2 boong-ke.

Với tin đồn “ngày tận thế”, Hubbard thiết kế boong-ke đặc biệt dành cho gia đình có khả năng chống lại mọi thảm họa của "ngày tận thế". Và theo lời Hubbard tiết lộ trên đài truyền hình ABC News hôm 30/11 vừa qua, ông đã bán được 4 cái. Hubbard cho biết ngành kinh doanh của ông khởi sắc từ ngày quốc hội Mỹ thảo luận sôi nổi về nguy cơ bị Iran tấn công bằng tên lửa tầm xa. Khách hàng của ông phần lớn là chính khách và quan chức chính phủ. Ngoài ra, một số nhà vật lý vũ trụ cũng tin rằng sẽ có bão mặt trời khủng khiếp hủy diệt loài người vào ngày 21/12/2012.

Loạn dịch vụ ăn theo "ngày tận thế" - 1
Bên trong boong-ke mẫu chống “ngày tận thế”. 

Đối thủ nặng ký của Hubbard là Tập đoàn Vivos cũng ở California. Boong-ke “ngày tận thế” của Vivos dành cho giới siêu giàu, theo quảng cáo, được trang bị cực kỳ hiện đại, có cả nhà bếp riêng, với giá cho thuê 45.000 USD/người. Nhưng “đặc sản” của tập đoàn này là boong-ke tập thể chứa từ 80 đến 25.000 người vùi sâu trong lòng đất.

Loại boong-ke này có thể chống bom nguyên tử loại 20 megaton nổ cách xa 3,6 km, chìm cả chục mét dưới nước và hoạt động độc lập ít nhất một năm, người ở không cần trồi lên mặt đất. Mỗi cái như vậy có giá từ 20 triệu USD đến hơn 200 triệu USD, tùy theo kích cỡ. Boong-ke đầu tiên đã được xây ở bang Indiana. Ở châu Âu, Vivos đã xây 2cái ở những địa điểm bí mật. Vivos cho biết tháng 8 vừa qua, đã có 25.000 người đăng ký thuê ở trong boong-ke của tập đoàn này.

Kinh doanh bát nháo ở Bugarach - nơi an toàn nhất trong Ngày Tận thế

Theo một số chuyên gia về lịch Maya theo trường phái New Age, ngày tận thế diễn ra vào ngày 21/12 sẽ ảnh hưởng đến toàn nhân loại, trừ núi Bugarach cao 1.231 m thuộc dãy núi Corbières và ngôi làng nhỏ cùng tên có 200 dân nằm dưới chân núi thuộc tỉnh Aude miền Nam nước Pháp. Nghĩa là ai có mặt trên núi hoặc trong làng vào ngày đó sẽ không bị hề hấn gì. Thậm chí, họ còn được đĩa bay từ hành tinh khác đến rước đi, theo một giáo phái tin tưởng có người hành tinh. Thông tin này đã khiến ngành dịch vụ ở địa phương này lên cơn sốt về giá cả.

Cuối tháng rồi, nhật báo La Dépêche du Midi đưa tin một người dân địa phương khoe đã có người thuê 4 phòng ở Bugarach với giá 1.500 euro/ngày (1 euro= 27.311 đồng). Trên mạng rao vặt đầy rẫy tin cho thuê lều với giá 450 euro hoặc một ngôi nhà với giá từ 1.500 đến 2.000 euro/tuần. Giá cao ngất nhưng so với nỗi lo chết vì tận thế thì chẳng nhằm nhò gì nên có khối người đến hỏi.

Loạn dịch vụ ăn theo "ngày tận thế" - 2
Làng Bugarach dưới chân núi cùng tên. 

Cách đây vài tháng, ông trưởng làng Jean-Pierre Delord đã đâm đơn kiện những người rao bán trên mạng “đá Bugarach” với giá 1.500 euro/kg. Có cả người rao bán nước suối Bugarach đóng chai với giá 15 euro. Người bán quảng cáo nước suối này có thể “chữa bệnh cảm cúm, trĩ hoặc kéo người yêu cũ trở lại” (!).

Ông trưởng làng Bugarach cũng đã cấm du khách trèo lên đỉnh núi từ ngày 19 đến 23/12. Những con đường vào làng sẽ bị cảnh sát kiểm soát gắt gao. Nếu xảy ra tình trạng quá tải thì sẽ đóng cửa. Lực lượng lính cứu hỏa, cảnh sát trong làng đã được huy động 100% để ứng chiến.

Tuy nhiên, theo nhà văn Nicolas Estienne d’Orves đang có mặt ở Bugarach, trong những ngày này chưa thấy làn sóng tín đồ nào đổ xô tới ngoại trừ cánh nhà báo trong nước và quốc tế. Thật ra, cái tên Bugarach chỉ được biết tới từ tháng 12/2010 khi loan truyền tin đồn lịch Maya dự báo ngày tận thế và Bugarach là nơi an toàn nhất.

Tour du lịch và tiệc cưới "ngày tận thế"

"Dựa hơi" 'ngày tận thế", các công ty Hong Kong thiết kế tour du lịch đến quê hương nền văn minh Maya, thậm chí tổ chức Tiệc tận thế để mọi người chia sẻ điều ước cuối cùng.

Rất nhiều người Hong Kong (Trung Quốc) đang lên kế hoạch tổ chức đám cưới, tiệc tùng và bữa tối gia đình vào ngày 21/12, ngày này cũng trùng với ngày Đông chí trong năm, được coi là Tết Đoàn viên của người Trung Quốc.

Công ty du lịch Hong Thai còn tổ chức một tour "du lịch tận thế" đến Mexico, quê hương của nền văn hóa Maya. Đại diện công ty cho biết gói tour này kéo dài 12 ngày, dành cho 20 người, giá 44.999 đôla Hong Kong (5.800 USD) và đã có 10 người đăng ký.

Các bàn ăn tại chuỗi nhà hàng của Tập đoàn Super Star cũng được đặt kín gần 40% cho ngày tận thế, trong đó có hẳn vài đám cưới. Theo cơ quan đăng ký kết hôn Hong Kong, 93 cặp đôi sẽ tổ chức lễ cưới vào ngày này.

Nhiều quán bar và trung tâm mua sắm tại Lan Kwai Fong không có kế hoạch lớn nào cho ngày 21/12. Tuy nhiên, tại lễ hội Fringe Festival của Hong Kong, người ta sẽ tổ chức Tiệc tận thế vào 13/12 - 15/12.

Nở rộ thực phẩm "ngày tận thế"

Thực phẩm đóng hộp được sản xuất bởi những công ty như Moutain House, với hạn sử dụng lên tới 30 năm, là một trong những vật dụng phổ biến nhất trong ngành kinh doanh phục vụ sự sinh tồn của con người trước nguy cơ tận thế.

Thiết bị lọc nước, thiết bị phát điện, đèn pin sạc bằng lực cơ tay cũng đắt hàng không kém. Theo tiết lộ của Vic Rantala, mặt hàng bán chạy nhất ở Safecastle là thịt lợn muối đóng hộp của hãng Yoder (mỗi hộp gồm 40-50 lát thịt). 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vnmedia
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN