Lò mổ Xuyên Á bị tạm ngừng, thương lái toát mồ hôi tìm nơi mổ heo!

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc lò mổ Xuyên Á vừa bị tạm đình chỉ hoạt động sau vụ phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần, đồng thời phát sinh dịch lở mồm long móng phải tiêu hủy toàn bộ số heo trên đã khiến thị trường thịt heo tại TP.HCM có nhiều biến động. Nhiều thương lái đang phải "chạy đôn chạy đáo” tìm chỗ giết mổ mới.

Nhiều lò mổ hết công suất

Xuyên Á là lò mổ lớn nhất TP.HCM hiện nay, mỗi ngày tổ chức giết mổ trên 5.000 con heo, chiếm hơn 50% tổng lượng thịt tiêu thụ của toàn thành phố. Việc lò mổ Xuyên Á ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động cung ứng thịt heo ra thị trường.

Hiện TP.HCM đang trong giai đoạn chuyển giao giết mổ từ các cơ sở nhỏ, lẻ và cơ sở giết mổ lậu về các nhà máy công nghiệp tập trung, thay cho giết mổ thủ công như hiện nay. Trong khi các lò mổ thủ công đóng cửa nhưng nhà máy công nghiệp chưa ra đời, thương lái đã tập trung về lò mổ Xuyên Á, đẩy thị phần của lò mổ này lên cao.

Lò mổ Xuyên Á bị tạm ngừng, thương lái toát mồ hôi tìm nơi mổ heo! - 1

Lò mổ Xuyên Á bị đóng cửa, TP.HCM liệu có thiếu cơ sở giết mổ thịt heo khi mỗi ngày, nơi đây tiêu thụ gần 10.000 con heo? (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Trao đổi với phóng viên sáng 3.10, ông Phạm Thành Hiệp - ​chủ trung tâm giết mổ Bình Tân (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, đến sáng nay, cơ sở này đã “kịch trần” công suất giết mổ heo. Nguyên nhân là một số thương lái có hoạt động giết mổ đồng thời tại cơ sở này và cơ sở Xuyên Á đã đưa hết heo về đây để “xẻ thịt”.

Ông Hiệp nói thêm, bình thường lò Bình Tân mổ khoảng 1.000 con/ngày nhưng sáng nay số lượng giết mổ đã tăng lên hết công suất của lò, tức 1.500 con/ngày.

“Điện thoại tôi reo liên tục, thương lái khắp nơi gọi về xin đặt lịch giết mổ nhưng tôi không dám nhận thêm! Nguyên nhân là phải đảm bảo kiểm soát tốt đầu vào đầu ra, nếu đông quá, xảy ra chuyện “bậy bạ” vừa nguy hiểm cho người tiêu dùng vừa ảnh hưởng tới uy tín của lò mổ”, ông Hiệp nói.

Dù nhu cầu tăng cao nhưng ông Hiệp không dám đầu tư mở rộng, vì cơ sở này cách khá xa các chợ đầu mối nông sản, trong đó có chợ Tân Xuân (Hóc Môn). Hiện tại, phần lớn thịt heo đưa về đây giết mổ để cung cấp cho chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trong khi số lượng heo giết mổ đưa về chợ Tân Xuân chỉ khoảng 300 – 400 con/ngày.  

“Sau vụ Xuyên Á, chúng tôi có gắn camera quan sát chặt chẽ hoạt động giết mổ tại lò Bình Tân, số cán bộ thú y cũng đã tăng lên 6 người. Tôi tự hứa với lòng mình và với thương lái là không được để những việc bất hợp pháp xảy ra”, ông Hiệp nhấn mạnh.  

Ông Hiệp cũng cho tăng cường việc bảo vệ, quan sát việc giết mổ. Những xe heo đưa về đây đều được kiểm tra kỹ. “Con nào còn khỏe mạnh, đi đứng bình thường mới được cho vào giết mổ, con nào lết lết, có dấu hiệu mệt mỏi thì nhân viên cơ sở sẽ giữ lại để lấy mẫu kiểm tra”, ông Hiệp thông tin.

Ông Nguyễn Kim Đoán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, không tính phần heo tiêu thụ nội tỉnh, hầu hết số heo thu mua tại vùng Thống Nhất và các huyện lân cận đưa về TP.HCM tiêu thụ đều được giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á.

Ông Đoán thông tin, tới hôm nay 3.10, một số thương lái đã quay lại thu mua heo đưa về TP.HCM, tuy nhiên, việc tìm kiếm các cơ sở giết mổ thay thế lò mổ Xuyên Á vẫn đang gặp nhiều khó khăn, do sự việc xảy ra đột ngột.

Thịt heo ế ẩm vì người mua sợ bị tiêm thuốc

Trong khi đó, ông Lâm, chủ cửa hàng thịt heo Lâm Hồng ở chợ đầu mối nông sản Tân Xuân (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, do cơ sở Xuyên Á bị tạm đình chỉ, các thương lái cung cấp thịt heo về chợ này đang phải “chạy đôn chạy đáo” tìm nơi thay thế. Nhiều thương lái chuyển về các lò mổ tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An… để giết mổ trước khi đưa vào TP.HCM tiêu thụ.

“Mọi việc đang rất lộn xộn, mà buôn bán thì ế ẩm, vì người tiêu dùng e ngại ăn thịt heo”, ông Lâm than thở.

Lò mổ Xuyên Á bị tạm ngừng, thương lái toát mồ hôi tìm nơi mổ heo! - 2

Heo nuôi nhốt chờ giết mổ tại cơ sở Xuyên Á. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y TP.HCM, đến giữa năm 2016, TP.HCM còn 14 cơ sở giết mổ được cấp phép đang hoạt động, trong đó, 5 cơ sở tại huyện Củ Chi (TP.HCM), một số rải rác tại các quận, huyện như Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Bình Tân…

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017, TP.HCM sẽ chấm dứt các lò giết mổ thủ công, đồng thời đưa vào hoạt động các máy tập trung, hiện đại. Kế hoạch này được lập ra đã nhiều năm nhưng đến nay nhiều dự án vẫn bí lối ra do vướng quá nhiều thủ tục.

Trước đó, năm 2016, TP.HCM đã ban hành phương án quy hoạch giết mổ đến năm 2020 theo Quyết định số 2032, trong đó tổ chức 8 cơ sở giết mổ (gồm 6 ở huyện Củ Chi và 2 ở huyện Hóc Môn). Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục hành chính và lo ngại khó cạnh tranh với các cơ sở giết mổ lậu, nên việc xây dựng nhà máy giết mổ tập trung vẫn chưa đâu vào đâu.

Xuyên Á hiện đang là lò mổ lớn nhất tại TP.HCM, hoạt động chủ yếu của lò mổ là cho thuê mặt bằng để thương lái tổ chức giết mổ. Trong đêm 28 rạng sáng 29.9, Đoàn thanh tra liên ngành, Thanh tra Bộ NNPTNT ập vào kiểm tra đã phát hiện các thương lái đang tổ chức tiêm thuốc an thần vào hàng ngàn con heo.

Kết quả xét nghiệm cho biết có 3.750 con heo dương tính với thuốc an thần, đang được tiêu hủy theo quyết định của UBND TP.HCM. Số heo này cũng bị phát hiện phát sinh bệnh lở mồm long móng sau nhiều ngày nuôi nhốt tại lò mổ Xuyên Á.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định chế tài: Hành vi vận chuyển, lưu giữ, giết mổ động vật để làm thực phẩm mà động vật đó bị sử dụng thuốc an thần không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 30-35 triệu đồng. Thêm vào đó là hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 3-6 tháng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thuận Hải (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN