Làm giàu ở nông thôn: Bỏ lương 20 triệu về nuôi dế, chưa sợ ế

Sự kiện: Kinh Doanh

Bị nhiều người cho là ngớ ngẩn khi bỏ chức trưởng phòng lương 20 triệu/tháng về quê nuôi dế. nhưng anh Phạm Duy Phong lại chứng minh mô hình nuôi dế giúp mình khá “rủng rỉnh” tiền tiêu khi mỗi năm anh “bỏ túi” 400 triệu đồng và dế giống, dế thịt nuôi ra chưa sợ ế...

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, anh Phạm Duy Phong, 33 tuổi, trú thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) phấn đấu và lên được chức trưởng phòng của 1 công ty nước ngoài ở Sài Gòn, lương 20 triệu đồng/tháng. 5 năm sau anh Phong nhận thấy mình không hợp với cuộc sống thành thị, lại xa nhà, chi phí lại đắt đỏ nên quyết định về thị trấn Đăk Đoa làm việc ở cửa hàng xe máy. Nhưng rồi thu nhập thấp, anh tính kinh doanh hoặc chăn nuôi...

Làm giàu ở nông thôn: Bỏ lương 20 triệu về nuôi dế, chưa sợ ế - 1

Bén duyên cùng… dế

Anh Phong kể: “Trong lần đi công tác ở Campuchia, tình cờ thấy các nhà hàng, các sạp chợ đều bày bán dế và các món ăn được chế biến từ dế. Mình không nghĩ là có thể đưa loại côn trùng này vào miệng được chứ đừng nói đến ăn, nhưng ở Campuchia lại rất đắt khách”. Sau một thời gian tìm hiểu, anh thấy mô hình nuôi dế Thái ở Gia Lai chưa phát triển nên bắt đầu nuôi thử nghiệm. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, lại không hiểu được tập tính của dế nên anh nuôi tới đâu chết tới đó.

Những lần thất bại liên tiếp không làm anh Phong nản chí, mà còn quyết tâm hơn. Phong lên mạng Internet tham khảo các mô hình nuôi dế, tìm đến các bậc “tiền bối” gắn bó lâu năm với nghề nuôi dế để học hỏi. Sau 2 năm thất bại, anh Phong đã thuộc lòng những kinh nghiệm nuôi dế, kỹ thuật nuôi dế, cách phòng trị bệnh cho dế...và gặt hái thành công.

Làm giàu ở nông thôn: Bỏ lương 20 triệu về nuôi dế, chưa sợ ế - 2

Một thùng nuôi dế trong trang trại dế nuôi của anh Phạm Duy Phong. Ảnh: Trần Hiền.

Hiện trang trại nuôi dế của anh Phong là 1 trong những cơ sở nuôi dế lớn ở Gia Lai với diện tích hơn 200m2 chuồng trại. Chỉ vào những chiếc thùng bỏ trống, anh Phong phấn khởi: “Mới hôm qua tôi xuất 100 thùng dế được gần 100 triệu đồng. Sắp tới tôi đang phải ấp trứng dế cho kịp còn giao dế giống cho khách nữa. Nếu như thời tiết thuận lợi khoảng 40 - 45 ngày là sẽ xuất được lứa dế thịt. Dế đạt tiêu chuẩn phải mập, thời kỳ thịt dế ngon nhất là vào cận ngày dế ra cánh”.

Đủ tiền tiêu xài

Nhẩm tính với chúng tôi, anh Phong nói: “Mỗi thùng dế có giá xuất là 1 triệu đồng, mỗi 5 trại dế của tôi xuất khoảng 600 thùng/năm, trừ chi phí còn lãi ròng 400 triệu đồng. Bên cạnh đó tôi đang dự tính sẽ chế biến dễ ra sản phẩm thịt dế đóng hộp, vừa tiện lợi lại có thể bảo quản lâu hơn…”. Ngoài nuôi dế thương phẩm, anh Phong còn cung cấp giống dễ cho nhiều người nuôi dế trong cả nước, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho các trại dế trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Làm giàu ở nông thôn: Bỏ lương 20 triệu về nuôi dế, chưa sợ ế - 3

Phạm Duy Phong cho hay, với thu nhập từ nghề nuôi dế và sự thoải mái trong công việc hiện tại khiến anh không hối tiếc khi bỏ chức trưởng phòng lương 20 triệu/tháng.

Anh Phong chia sẻ: “Loài dế khá dễ nuôi, lại ít dịch bệnh, dế phát triển tốt ở nhiệt độ ổn định từ 20 - 35 độ C. Đặc biệt khí hậu của Tây Nguyên rất phù hợp cho dế sinh trưởng, không nóng như miền Bắc nên gần như lượng trứng nở đạt 100%. Tuy nhiên phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không để ẩm mốc, nếu bị ẩm dế sẽ đau bụng và chết, khi đã chết là sẽ chết đồng loạt”.

Cũng theo anh Phong, ngoài việc tạo ra môi trường nuôi gần giống với tự nhiên, còn phải đa dạng hóa nguồn thức ăn cho dế như ngoài cám, phải bổ sung lượng rau xanh, cỏ tươi phù hợp. Sau khi tách đàn, mật độ dế nuôi trong chuồng cần điều chỉnh cho phù hợp với quá trình tăng trọng. Như vậy dế sẽ phát triển nhanh, ít bị bệnh hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Hiền (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN