Khủng hoảng lợn "lây lan" đến cả bò thịt, trứng, sữa...

Sự kiện: Kinh Doanh

Đó là báo cáo của ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trong Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 1.6.

Đề cập đến đợt khủng hoảng lợn trong mấy tháng qua, ông Tống Xuân Chinh cho rằng: “Nếu ngành chăn nuôi lợn phát triển nóng như mấy năm vừa rồi thì sẽ phá vỡ cấu trúc cân bằng của cung cầu, phá vỡ cấu trúc kinh tế, giá cả không ổn định, điều đó dẫn đến khủng hoảng lợn trong mấy tháng vừa qua. Hiện nay tình hình đã được cải thiện, giá lợn đã tăng lên, tuy nhiên so với giá thành sản xuất thì bà con vẫn còn đang thua lỗ”.

Khủng hoảng lợn "lây lan" đến cả bò thịt, trứng, sữa... - 1

Ông Tống Xuân Chinh.

Ông Chinh cho biết, cuộc khủng hoảng lợn không chỉ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn mà còn ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi khác như bò thịt, trứng, sữa… Chính vì thế chúng ta cần kiểm soát được quy hoạch, thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.

Để kiểm soát được quy hoạch và việc thực hiện theo đúng quy hoạch, các hộ chăn nuôi, hệ thống nông hộ, các doanh nghiệp chăn nuôi phải đăng ký vật nuôi, thành phần vật nuôi, số lượng giống thì lúc đó chúng ta mới kiểm soát được số lượng nuôi, tính toán được số lượng đầu ra như thế nào để có định hướng phát triển thị trường đúng với tình hình sản xuất.

Trước đó tại buổi hợp báo thường kỳ do Bộ NNPTNT tổ chức vào ngày 4.4, ông Tống Xuân Chinh cho rằng: “Năm 2016, chúng ta sản xuất 5,02 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, nếu làm một phép tính đơn giản, cứ 3kg thức ăn được 1kg thịt lợn hơi thì có thể thấy được chúng ta sản xuất được bao nhiêu tấn thịt mỗi năm. Điều đó cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu. Mỗi năm chúng ta sản xuất hơn 2 triệu con lợn, đây là nguyên nhân quan trọng khiến thịt lợn bị dư thừa”.

Khủng hoảng lợn "lây lan" đến cả bò thịt, trứng, sữa... - 2

Khủng hoảng đàn lợn lan sang cả bò thịt, trứng, sữa...

Cũng theo ông Chinh, với năng lực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, ngoài hướng tới xuất khẩu phải có biện pháp hành chính để giảm tốc độ sản xuất. Bởi khi phát triển nóng sẽ không chỉ liên quan đến vấn đề thị trường tiêu thụ mà còn vấn đề môi trường, kiểm soát an toàn thực phẩm.

Để có chiến lược lâu dài ổn định sản xuất mở rộng thị trường, ông Chinh cho rằng vấn đề quy hoạch cần phải được đổi mới để đảm bảo có thể giám sát được. Nếu quy hoạch không giám sát được thì khi giá tăng, người nuôi ồ ạt sản xuất, đến lúc dư thừa, thị trường có vấn đề, giá thấp, bà con lại kêu cơ quan quản lý nhà nước sao không tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì thế, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng thịt lợn dư thừa.

Về vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, tại buổi làm việc ngày 30.5 với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định: “Trung Quốc đồng ý đàm phán nhập khẩu lợn chính ngạch từ Việt Nam. Hiện nay phía bạn đã đồng ý tiếp nhận hồ sơ chứng minh kiểm soát dịch bệnh trên đàn lợn của Việt Nam. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để tiến tới mở cửa thị trường thịt lợn Việt Nam xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang Trung Quốc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Thăng (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN