Hãng tàu biển khổng lồ sụp đổ: Nhà xuất khẩu Việt mất ngủ

Vụ phá sản của hãng tàu biển Hanjin được xem là lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển thế giới.

Sự sụp đổ của Hanjin Shipping, tập đoàn vận tải biển khổng lồ của Hàn Quốc, đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Bị ảnh hưởng mạnh nhất từ việc hãng tàu Hanjin phá sản là lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ...

Sợ mất hàng, cước phí tăng

Ngày 5-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Đến nay hiệp hội đã nhận được thông tin ban đầu của năm công ty hội viên, phần lớn là xuất khẩu cá tra sang Mỹ bị ảnh hưởng vì hãng tàu biển Hanjin nộp đơn xin phá sản.

“Hàng chục container thủy sản xuất khẩu trên tàu Hanjin đang lênh đênh trên biển khiến các DN đứng ngồi không yên vì chưa biết số phận các lô hàng của mình sẽ ra sao” - ông Hòe nói.

 Đại diện một công ty thủy sản cho hay đang như “ngồi trên lửa” vì hàng hóa thuê tàu của hãng Hanjin vận chuyển. Bởi hiện nhiều cảng trên thế giới như ở Trung Quốc, Tây Ban Nha… đã từ chối tiếp nhận tàu Hanjin cập cảng. Bên cạnh đó, đội tàu của hãng này đang mắc kẹt trên biển và các bến cảng ở nhiều quốc gia, trong đó có một số tàu đã bị các nước bắt để trừ nợ.

“Chúng tôi đang tiếp tục tìm thông tin về con tàu vận chuyển để nắm lịch trình, liên hệ cảng trung chuyển cho phép rút hàng kịp thời. Nếu hàng nằm trên tàu lâu sẽ chậm tiến độ giao hàng với nhà nhập khẩu. Chưa kể chất lượng hàng hóa giảm, dẫn đến nhà nhập khẩu sẽ hủy giao dịch thì chúng tôi sẽ thiệt hại rất lớn. Nhưng lo nhất là mất hàng và thủy thủ tàu giữ tàu, giữ hàng nhiều ngày trên biển để đòi quyền lợi từ chủ hãng tàu” - đại diện công ty này lo ngại.

Hãng tàu biển khổng lồ sụp đổ: Nhà xuất khẩu Việt mất ngủ - 1

Đại diện của hãng tàu biển Hanjin tại Việt Nam thông báo dừng nhận hàng hóa mới. Trong ảnh: Tàu của hãng Hanjin đang vận chuyển hàng. Ảnh: hãng tàu Hanjin

Các ngành hàng xuất khẩu khác thuê hãng tàu Hanjin vận chuyển cũng hồi hộp. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho hay công ty “dính” một số lô hàng đồ gỗ xuất khẩu thuê Hanjin vận chuyển đợt này. Hiện tại công ty đang tìm cách rút hàng ra khỏi container của hãng tàu Hàn Quốc, chuyển sang container nhà vận chuyển khác nhằm kịp giao hàng đúng hẹn cho khách hàng.

“Do đợt hàng xuất khẩu này không nhiều nên thiệt hại không lớn. Tuy nhiên, với các công ty xuất khẩu nhiều chắc chắn ảnh hưởng lớn. Riêng chi phí rút hàng đã chiếm 1%-2% giá trị mỗi container hàng” - ông Mạnh chia sẻ.

Trên thực tế giá vận tải container toàn cầu đã tăng trong mấy ngày gần đây. Một DN cho hay cước vận tải bằng đường biển từ Việt Nam đi các nước và ngược lại cũng sẽ tăng mạnh trong ngắn hạn do việc thiếu tàu. Điều này khiến các nhà xuất khẩu của Việt Nam phải tiêu tốn thêm tiền.

Cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước

Văn phòng đại diện của hãng tàu biển Hanjin tại Việt Nam vừa có thông báo về việc dừng không nhận booking hàng hóa mới kể từ ngày 31-8-2016.

Trước thông tin trên, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho hay trong ngày 5-9, hiệp hội đã phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc có thông báo cho hội viên nắm thông tin tình hình vụ hãng tàu Hanjin phá sản và có kế hoạch phù hợp.

Ông Hiệp nói: “Hanjin là hãng tàu biển có đội tàu lớn thứ bảy thế giới, chiếm tới 5% thị phần vận chuyển hàng hải quốc tế và khoảng 10% tại thị trường Việt Nam. Hãng tàu này chuyên chở hàng sang Mỹ, châu Âu... Vì vậy những ngành hàng xuất khẩu sang thị trường này như giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ… sẽ bị ảnh hưởng trong giai đoạn này. Còn sau này thì các hãng tàu khác có thể đáp ứng thị phần vận chuyển mà Hanjin để lại”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhận định vụ việc trên có tác động tới hầu hết các ngành xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là những công ty đang thuê hãng tàu Hanjin vận chuyển. Hiện nay, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ DN xuất khẩu. Ví dụ hỗ trợ các DN rút hàng ra, chuyển đổi container hay tiếp nhận hàng về, đề nghị các cảng vụ có ưu tiên sắp xếp xử lý để tránh ùn tắc.

Bộ Công Thương cũng khuyến cáo DN đã đưa hàng vào container của Hanjin cần nhanh chóng lấy hàng ra và liên hệ đối tác nước ngoài để có phương án lựa chọn, thay đổi hãng tàu. Còn với lô hàng đã cập cảng, khẩn trương hoàn thành thủ tục và thông quan, giải phóng hàng ra khỏi container của Hanjin.

“Với những lô hàng đang được vận chuyển thì cần tiếp tục làm việc với văn phòng đại diện của Hanjin tại Việt Nam để theo dõi lịch trình và phối hợp với các đối tác nhập khẩu để có phương án nhận hàng tại cảng” - ông Hải khuyến cáo.

Hơn nửa triệu container đang mắc kẹt

ngày 31-8, Hanjin đã đệ đơn xin phá sản. Khi Hanjin tuyên bố phá sản, còn khoảng 540.000 container hàng hóa vẫn đang mắc kẹt.

Sự việc lại diễn ra vào chính thời điểm sôi động nhất hằng năm của hoạt động vận tải biển toàn cầu nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các kỳ nghỉ cuối năm. Vụ việc khiến chuỗi cung ứng mọi sản phẩm từ tivi đến các mặt hàng tiêu dùng khác bị gián đoạn.

Hanjin là một trong những hãng tàu đầu tiên bỏ vốn vào thị trường cảng biển Việt Nam. Nhiều DN Việt sử dụng dịch vụ của hãng tàu này. Hanjin cũng có nhiều hoạt động tại Việt Nam trong những năm qua.

Rút hàng nhanh là thượng sách

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, cho hay hội cũng có tiểu ban tư vấn pháp luật gồm các luật sư, trọng tài viên sẵn sàng hỗ trợ khách hàng những thắc mắc về mặt pháp lý.

Tuy nhiên, quá trình kiện tụng quốc tế rất mất thời gian và phức tạp. Nguyên tắc sau khi thu hồi hết công nợ, thông thường hãng tàu phá sản sẽ ưu tiên cho các loại chủ nợ gồm cổ đông, các nhà cung cấp dịch vụ rồi mới đến khách hàng. Nếu đợi đến lúc chia cho khách hàng thì có thể cũng chẳng còn tiền. Vì vậy, DN phải tìm cách rút hàng, bảo đảm được hàng hóa của mình là tốt nhất.

Nhiều hãng tàu có nguy cơ “lâm nạn”

Một số chuyên gia logistics cho biết hiện nay tổng công suất vận tải tàu biển (hàng container) thừa khá nhiều so với nhu cầu sử dụng. Do đó, dự báo năm 2016, ngành tàu biển thế giới sẽ lỗ tổng cộng 5 tỉ USD. Tình hình hiện nay là hết sức khó khăn và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Do đó, các DN cần phải bám sát và nắm bắt tình hình vận chuyển trên thế giới để có cân nhắc, lựa chọn thuê hãng tàu phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN