Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam

Nếu lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng tăng, thì hạn ngạch tuyển lao động mới sẽ giảm, phía Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam hoặc chấm dứt Bản ghi nhớ vào bất cứ thời điểm nào.

Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam - 1

Ảnh minh họa

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Doãn Mậu Diệp đưa ra tại buổi họp công bố Bản tin cập nhật thị trường số 10 diễn ra ngày 17.8 tại Hà Nội.

Trả lời báo chí về tình hình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết tháng 5 vừa rồi, với nỗ lực đàm phán, Việt Nam và Hàn Quốc ký kết lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) sau hơn 1 năm tạm dừng và sau 2 năm không tổ chức thi tiếng Hàn trên giấy cho lao động. 

Trong thỏa thuận đó, phía Hàn Quốc quy định trách nhiệm của phía Việt Nam trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo đó, hạn ngạch phía Hàn Quốc cấp cho Việt Nam phụ thuộc vào tình hình lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nếu lao động bất hợp pháp Việt Nam nhiều, hạn ngạch tuyển lao động mới sẽ giảm; nếu lao động bất hợp pháp tăng cao, phía Hàn Quốc có thể dừng tiếp nhận lao động Việt Nam hoặc chấm dứt MOU vào bất cứ thời điểm nào.

Ngay khi MOU được ký kết, Bộ LĐ-TB-XH đã triển khai nhiều chính sách áp dụng đối với lao động tham gia Chương trình trong năm 2016. Sau khi thống nhất với phía Hàn Quốc, ngày 29.7 Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Công văn số 2843 gửi UBND các tỉnh thành thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2016.

Theo đó, 90 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành phố có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016. Trước mắt, tạm dừng ngay lập tức với 44 quận/huyện có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

"Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng đối với lao động ngư nghiệp thuộc những huyện ven biển của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua. Cụ thể là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Bố Trạch, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Vào ngày 12.8 vừa qua, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh thành thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2016. Như vậy, sau 4 năm tạm dừng cấp phép do tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc quá cao thì thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc dường như vẫn chưa khơi thông.

Những thắt chặt trong việc xem xét đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc được bắt nguồn từ giai đoạn năm 2010-2011, tỷ lệ lao động Việt Nam sau khi hết hạn hợp đồng ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng tăng. Năm 2012, tỷ lệ trên đã lên tới 58%. Tức là cứ một trăm người đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc thì chỉ có 42 người về nước, 58 người ở lại. Lao động Việt Nam bỏ trốn đứng đầu trong số 15 quốc gia phái cử lao động làm việc tại Hàn Quốc. Điều này làm ảnh hưởng tới thị trường lao động Hàn Quốc, lộ trình tiếp nhận lao động Việt Nam từ trong nước sang. Trước tình hình ấy, năm 2012 Hàn Quốc đã tạm thời dừng bản thỏa thuận tiếp nhận thông thường lao động Việt Nam và chuyển sang xem xét và tiếp nhận theo từng năm. Theo đó, việc tiếp nhận được xem xét khá chặt chẽ với những tiêu chí khắt khe, số lượng hạn chế, tập trung vào một số nhóm ngành...

44 huyện, thị bị tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2016

44 huyện, thị (và cấp tương đương) bị cấm đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc năm 2016 gồm: Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thạch Thất (Hà Nội); TP.Hải Dương, Chí Linh, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương); Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); TP.Nam Định, Hải Hậu (tỉnh Nam Định); Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh); Bố Trạch, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN