Hà Nội: Nguy cơ “ổ bệnh” tồn tại 13 năm ngay cạnh trụ sở phường

Nằm cách UBND Phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ vài trăm mét nhưng suốt 13 năm qua, khu chợ tự phát này vẫn ngang nhiên tồn tại kéo theo những mối lo về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch bệnh.

Lo ngại ô nhiễm và dịch bệnh

Phố Trần Điền nằm cách trụ sở UBND phường và Công an phường Định Công chừng vài trăm mét nhưng luôn trong tình trạng ùn ứ giao thông. Vào buổi sáng, con ngõ 51 của tuyến phố này liên tục ách tắc do người dân “quây đường” làm chợ tạm. Khung cảnh hỗn độn và nhếch nhác thường xuyên xảy ra bởi lượng người và phương tiện đông đúc dừng đỗ để mua hàng hóa, thực phẩm…

Dịp cuối tuần, khu chợ tạm trở nên đông đúc hơn bao giờ hết. Từ 7h sáng, khu chợ đã ồn ào bởi những âm thanh giết mổ gia cầm, tiếng người mua bán, mặc cả. Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, khu chợ này kéo dài khoảng 1km dọc ngõ nhỏ. Chợ có đầy đủ các loại thực phẩm như gà vịt, thịt lợn, cá, rau củ quả đến các mặt hàng gia dụng như bát đĩa, rổ giá, chổi quét... Nơi đông đúc nhất của chợ là khu nhà cấp 4 đã xuống cấp được phân ra làm các khu giống như các ki ốt bán hàng.

Đi sâu vào bên trong, mùi khó chịu từ việc giết mổ gia cầm sống càng nồng nặc. Nào là gà vịt, nào là hải sản tươi sống quyện lẫn mùi xú uế của rác thải khiến nhiều người khó chịu. Anh Q., một người dân sống gần các ki ốt của chợ cho hay: “Nhiều gia đình ở gần đây không thể chịu được thứ mùi này. Muỗi cũng từ đấy mà ra. Mới hôm trước phường có tiến hành phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh sốt xuất huyết nhưng tôi thấy không tác dụng vì vài hôm là muỗi lại đầy vì đó là khu vực lý tưởng cho chúng sinh sôi nảy nở”.

Cùng chung bức xúc, chị H., cư dân ở tầng 3 của tòa nhà AZ Sky, đối diện khu chợ này cho biết, gia đình chị rất ít khi cho 2 con nhỏ xuống dưới tòa nhà chơi dù khu vực sảnh rất rộng rãi. “Cứ tưởng có chợ gần nhà thì tiện mua bán, nhưng ở đây, nhiều hộ dân chỉ mong cơ quan chức năng giải tỏa chợ tạm càng sớm càng tốt. Các anh thấy đấy, mùi hôi thối, ruồi muỗi khắp nơi. Bây giờ đang có dịch sốt xuất huyết nên chúng tôi rất lo”, chị H. bày tỏ.

Trò chuyện với chúng tôi, một số hộ bán rau bên ngoài vỉa hè cũng thừa nhận việc buôn bán dẫn đến tình trạng lộn xộn ở con ngõ này. “Tuy nhiên chúng tôi chỉ bán bên ngoài, còn ruồi muỗi và ô nhiễm xuất phát từ khu buôn bán, giết mổ gia cầm, cá mú của các tiểu thương bên trong”, người phụ nữ này cho biết.

Cho rằng, khu chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường sống của khu dân cư đồng thời là điều kiện để muỗi sinh sôi nảy nở, anh Q., chị H và một số cư dân nơi đây đã có kiến nghị giải tỏa khu chợ này. “Nếu không giải tỏa được, chí ít họ cũng phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân xung quanh”, anh Q. chia sẻ.

Hà Nội: Nguy cơ “ổ bệnh” tồn tại 13 năm ngay cạnh trụ sở phường - 1

Cảnh tượng ô nhiễm bên trong các ki ốt bán gà, cá. ảnh: T.G

Mập mờ nguồn gốc thực phẩm

Được biết, hầu hết các tiểu thương ở khu chợ này đều đến từ các vùng quê lân cận Hà Nội như huyện Thường Tín, Quốc Oai và một số huyện, thị của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh... Nguồn hàng hóa cũng rất đa dạng, có người nhập về từ các chợ đầu mối, có người mang chính những rau, củ, quả tự mình sản xuất được đem bán.

Thu nhập từ việc buôn bán này là nguồn sống của nhiều gia đình. Anh Đ. (đến từ phố Nối, Hưng Yên) - người chuyển từ công việc thợ hồ sang buôn thịt lợn đã vài năm nay tại chợ tự phát Định công cho biết: “Ở đây dân cư đông nên việc buôn bán rất thuận tiện. Thỉnh thoảng công an và trật tưự khu vực cũng nhắc nhở nhưng mình nói khó họ lại bỏ qua”.

Cũng như anh Đ., bà H. buôn bán gà vịt tại đây cho biết, dù là chợ tự phát nhưng công việc kinh doanh của bà chẳng thua kém gì trước đây tại chợ La Khê (Hà Đông). Bà H. cũng thừa nhận, do là chợ tự phát nên việc truy xuất nguồn gốc gia cầm, kiểm dịch cũng bớt “căng”(?).

Trong nhiều ngày ghi nhận tại phiên chợ tự phát này, chúng tôi thường xuyên bắt gặp chiếc xe công vụ của Công an phường Định Công đi kiểm tra. Những tưởng khi thấy chiếc xe này, các tiểu thương đang họp chợ ngay dưới vỉa hè, lòng đường sẽ thu xếp hàng hóa và “chạy” nhưng thực tế các tiểu thương và người dân vẫn thản nhiên mua bán.

“Ôi dào, mấy anh công an “lượn” suốt nhưng chỉ nhắc nhở thôi. Nếu gắt quá thì dọn hết đồ vào xong lúc sau lại dọn ra bán tiếp, cùng lắm là thu cái cân”, chị L., một tiểu thương có thâm niên bán hàng ở đây kể lại.

Theo quan sát, tại đây cũng có nhiều biển “Cấm họp chợ”, “Cấm vứt rác bừa bãi” nhưng hầu như chẳng ai để ý! Chợ vẫn được họp ngay cạnh những tấm biển cấm. Tan chợ, khối lượng lớn rác thải tràn ngập lòng đường, vỉa hè và các rãnh nước khiến những công nhân thu dọn vệ sinh vất vả.

Qua tìm hiểu của PV, nhiều tiểu thương đã thuê lại mặt bằng kinh doanh là các khoảng sân, mặt tiền của các ngôi nhà trong khu vực để buôn bán khiến việc xử lý của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và phòng chống ô nhiễm, dịch bệnh tại khu chợ tự phát này vẫn còn buông lỏng.

Chợ vẫn hoạt động dù phường khẳng định đã “khai tử”

Sau nhiều ngày liên lạc với ông Nguyễn Thăng Long - Chủ tịch UBND phường Định Công, chúng tôi đã được giới thiệu làm việc với bà Phạm Hiền Hậu – Cán bộ môi trường của phường. Trả lời PV Báo Gia đình và Xã hội, bà Hậu cho biết: “Khu chợ tạm này xuất hiện từ khoảng năm 2003 do nhu cầu mua bán thực phẩm của người dân. Sau khi chung cư AZ Sky đi vào hoạt động, có nhiều kiến nghị cho rằng khu chợ đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường của khu vực nên phường đã lên phương án xử lý. Theo kế hoạch ngày 21/5 sẽ giải tỏa nhưng đến 21/6 vừa qua chúng tôi mới tiến hành giải tỏa xong. Hiện tại đã không còn hình trạng họp chợ dưới vỉa hè, lòng đường như trước (?)”.

Khi PV cho bà Hậu xem những hình ảnh về phiên chợ hoạt động nhộn nhịp ngay giữa tháng 9/2017 thì cán bộ này cho hay: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Có thể là chỉ một vài hộ thuê vị trí vỉa hè của người dân để buôn bán”.

Nói về vấn đề kiểm tra vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gia cầm buôn bán tại chợ, bà Hậu cho biết phường vẫn phối hợp với cơ quan thú y làm thương xuyên. Khi PV hỏi về thời gian gần nhất kiểm tra thì sau một hồi lâu lục tìm văn bản, bà Hậu trả lời rằng “không nhớ”(?).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN