Giải cứu quả hồng đặc sản

Thời hoàng kim, diện tích hồng tại Lâm Đồng lên đến hàng ngàn hécta nhưng hiện giảm xuống chỉ còn vài trăm hécta.

Những vùng trồng hồng đặc sản lớn nhất tỉnh Lâm Đồng là xã Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) và thị trấn D’ran (huyện Đơn Dương) đang vào mùa thu hoạch chính vụ. 

Giải cứu quả hồng đặc sản - 1

Cuối tháng 9, giá mua sỉ hồng giòn, hồng trứng tại vườn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng tới giữa vụ như hiện nay chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. 

Chuyện được mùa rớt giá như thế này đã tái diễn nhiều năm, giá năm sau lại giảm hơn năm trước khiến nhà vườn lao đao, nhiều người chặt bỏ cây hồng để  trồng cà phê và một số loại cây khác. 

Thời hoàng kim, diện tích hồng tại Lâm Đồng lên đến hàng ngàn hécta nhưng hiện giảm xuống chỉ còn vài trăm hécta.

Nguyên nhân chủ yếu là do Lâm Đồng chưa có nhà máy bảo quản, chế biến hồng khô, trong khi loại quả này thường chín rộ cùng thời điểm và chóng hỏng nên lâm vào cảnh dội chợ. 

Cũng vì khâu bảo quản, chế biến còn kém nên hồng Đà Lạt không đủ phẩm cấp để xuất khẩu, chỉ quẩn quanh tiêu thụ nội địa nên dễ bị thương lái ép giá. 

Thu mua tại vườn rẻ bèo nhưng giá bán lẻ mỗi ký hồng ở Hà Nội, TPHCM… lên tới 15.000 - 20.000 đồng, thậm chí có những cửa hàng online bán trên dưới 30.000 đồng. 

Tình trạng hồng Trung Quốc lập lờ đội lốt hồng nội địa càng khiến người trồng hồng Đà Lạt lao đao. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hồng Trung Quốc cũng đang vào vụ thu hoạch và chỉ trong vài tháng gần đây đã có hàng ngàn tấn hồng nhập vào nước ta.

Để cứu loại đặc sản này, UBND thành phố Đà Lạt triển khai đề án Xử lý hồng sấy khô theo chuẩn Nhật với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để có thể xuất khẩu sang các nước. 

Ông Trần Phú Lộc (trú tại phường 3, Đà Lạt) đã sang Nhật học hỏi công nghệ sấy khô trái hồng và về áp dụng thành công. Ông nói để có sản phẩm đạt chuẩn, phải chú trọng từ khâu trồng hồng. 

Nếu cây ra trái với mật độ quá dày thì chọn những quả tốt để lại và hái bỏ trái xấu, đến khi thu hái cần giữ lại cuống…

Ông Lộc đã đầu tư 1 tỷ đồng làm nhà kính và trang bị máy móc, thiết bị. Quả hồng được đưa vào máy gọt vỏ, xử lý vô trùng, khử bớt chất chát rồi mang ra nhà kính treo. 

Hàng ngày phải kiểm tra xem quả nào bị xì nước thì loại bỏ ngay tránh để lây sang trái khác hoặc bị mốc. Khoảng từ 3 đến 4 tuần, quả khô tự nhiên và teo lại còn trên dưới 30% là đạt yêu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Anh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN