EVN có quyền làm giá điện?

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Việc xây dựng biểu giá điện không phải trách nhiệm của EVN, do vậy EVN đứng ra tổ chức hội thảo là điều rất ngạc nhiên”.

Tại hội thảo lấy ý kiến về “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 22-9, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đặt câu hỏi: Tại sao EVN lại đưa ra mức giá, những con số này? Người dân cần biết các số liệu đó lấy từ đâu ra. Việc xây dựng biểu giá điện không phải trách nhiệm của EVN, do vậy EVN đứng ra tổ chức hội thảo là điều rất ngạc nhiên.

“EVN là doanh nghiệp, đơn vị này không thể đại diện cho cả ngành điện để làm biểu giá điện cho xã hội. Nhiệm vụ này là của Bộ Công Thương. Xã hội sẽ hiểu nhầm về EVN, công việc của EVN không phải làm giá điện cho Nhà nước mà làm giá điện của EVN. Cần phải phân biệt rõ điều này” - ông Cung nêu quan điểm.

EVN có quyền làm giá điện? - 1

   Thu tiền điện sinh hoạt tại một hộ gia đình. Ảnh: HTD

Ngay lập tức, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đứng dậy phản hồi ngay ý kiến của ông Cung. Ông Kiên cho rằng EVN là doanh nghiệp được giao nhiệm vụ chủ lực trong cung ứng điện quốc gia và tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về giá điện sinh hoạt.

Nhà nước thành lập EVN có quy chế, điều lệ quy định chức năng, nhiệm vụ của EVN. Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện không phải do EVN đưa ra mà do cơ quan tư vấn độc lập xây dựng. EVN là đơn vị lấy ý kiến và EVN là một đối tác bị ảnh hưởng bởi phương án tính giá điện chia bậc thang do cơ quan tư vấn lập ra. Hội thảo lấy ý kiến góp ý về việc cải tiến giá điện là do Cục Điều tiết điện lực chủ trì và EVN đứng ra xin ý kiến người dân là sự kết hợp hài hòa.

Theo ông Kiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay không thể thực hiện đồng nhất một giá điện. Đến thời điểm này, không có phương án nào đảm bảo được sự hài lòng của người sử dụng điện. Vấn đề là các phương án phải đảm bảo về lợi ích của số đông, mà nếu dựa theo lợi ích của số đông thì phải dựa trên thống kê liên tục đối với người sử dụng điện nhiều năm qua. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào thì không nên làm ảnh hưởng nhiều đến người nghèo, người thu nhập trung bình và người làm công ăn lương. Hơn nữa, phương án giá điện chọn ra phải khuyến khích người tiết kiệm điện.

Trong khi đó TS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, cho rằng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) phải đứng ra xây dựng biểu giá điện chứ không phải đẩy sang EVN. Không thể không có ai bị thiệt hại khi điều chỉnh bậc thang giá điện. Vấn đề là điều chỉnh để hài hòa giữa các nhóm lợi ích. Khoảng cách giữa các bậc vừa mức, không lên quá nhiều. Bậc thang giá điện nên đưa về mức 3-4 bậc với độ mức giá giữa các bậc thang thấp xuống.

Theo ông Kiên, từ năm 2000 đến nay, số hộ nghèo đã giảm từ 54% xuống còn 14%, hộ cận nghèo còn 7%. Ngành điện cũng như xã hội phải có chính sách ưu tiên với 21% hộ nghèo và cận nghèo, cộng với hộ chính sách xã hội ưu tiên. Sản lượng điện tiêu dùng của hộ nghèo, cận nghèo ở 150 kWh/tháng chiếm khoảng 60% tổng số hộ gia đình, còn hộ dân dùng trên 400 kWh chiếm 4,7%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN