Dùng quỹ bình ổn xăng dầu để tránh giá… giảm “sốc”?!

Sự kiện: Quý Bình

Với thực tế điều hành giá xăng dầu như hiện nay, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang được sử dụng một cách hết sức phi lý, đó là dùng để tránh… giảm giá mạnh cho người tiêu dùng?!

Quỹ chặn đà giảm!

Quyết định chỉ điều chỉnh giảm “nhỏ giọt” mặt hàng xăng từ 15h ngày 20.7 vừa qua là vì liên bộ Tài chính-Công Thương đã cho ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng xăng (từ 362-527 đồng/lít). Trong khi đó, chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng kỳ điều hành này thấp hơn nhiều so với kỳ điều hành trước do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh. Cụ thể, chênh lệch giá cơ sở với xăng là 787 đồng/lít. Thay vì giảm giá mạnh các mặt hàng xăng theo sự chênh lệch này thì Bộ Công Thương đã trích 527 đồng bù vào quỹ để chỉ giảm 260 đồng/lít.

Dùng quỹ bình ổn xăng dầu để tránh giá… giảm “sốc”?! - 1

Tương tự, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 4.7.2015, giá xăng cũng chỉ giảm được 330 đồng/lít vì quỹ bình ổn giá. Mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng khoáng được cơ quan quản lý điều hành giảm từ 1.047 đồng/lít xuống còn 527 đồng/lít, tức là 520 đồng lẽ ra đã được dùng để giảm giá cho người tiêu dùng thì lại phải bù vào quỹ. Kỳ điều hành này, theo tính toán của Bộ Công Thương, mặt hàng xăng RON 92 có giá cơ sở theo tính toán giảm 851 đồng/lít so với giá bán hiện hành lúc đó. Như vậy, cũng thay vì giảm giá xăng hết mức chênh lệch này cho người dân thì cơ quan quản lý đã quyết định “đổi” bằng hạ mức chi quỹ.

Các cơ quan điều hành sẽ giải thích rằng, do quỹ đã chi ra trước đó để bình ổn khi giá tăng thì phải có lúc bù vào trở lại khi giá giảm. Tuy nhiên, thực tế cũng lại không phải diễn biến như vậy với điều hành giá mặt hàng xăng dầu.

Còn nhớ kỳ điều hành giảm giá xăng kỷ lục cuối năm 2014 (ngày 22.12), giá xăng giảm 2.050 đồng/lít thì Bộ Công Thương cũng đã dùng quỹ để chặn đà giảm sâu của giá xăng. Cụ thể, liên Bộ Công thương - Tài chính đã cho phép trích lập quỹ bình ổn thêm 500 đồng/lít xăng lên mức 800 đồng/lít. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lúc đó đã phát biểu rằng, giá xăng dầu có thể giảm sâu hơn nữa nếu mức trích lập Quỹ bình ổn không tăng lên như vậy. Khi đó, ông Long đã dẫn chứng, “giá xăng dầu thế giới đã giảm đến 50%, còn giá trong nước mới giảm chưa đến 30% nguyên nhân một phần do việc duy trì quỹ bình ổn giá”.

Không chỉ khi giá giảm mà trước đó, khi tăng giá xăng dầu thì quỹ này cũng vẫn được trích lập ở mức tối đa, tức người dân vừa phải chịu cảnh giá xăng dầu tăng lên vừa phải tăng tiền chi cho việc trích lập quỹ. Lấy dẫn chứng của Bộ Tài chính công bố về số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu hồi quý I/2014 sẽ thấy rất rõ. Đó là, số dư của quỹ tại thời điểm 31.12.2013 khoảng 169,219 tỷ đồng thì số dư quỹ ước đến hết quý I/2014 đã tăng lên khoảng 842,016 tỷ đồng. Trong khi tính từ cuối năm 2013 đến hết quý I của năm này, giá xăng dầu đã tăng 3 lần, một lần vào cuối tháng 12.2013 và hai lần trong tháng 2 và 3.2014. Như vậy, song song với tăng giá thì cơ quan điều hành ở đây cũng đã huy động tối đa tiền của dân vào quỹ bình ổn giá.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã bình luận: “Có lẽ không nước nào điều hành giá xăng dầu giống Việt Nam. Đó là sử dụng quỹ bình ổn giá để tránh việc giá xăng dầu… giảm “sốc” cho người tiêu dùng!? Người dân đang chịu gánh nặng của quỹ bình ổn giá xăng dầu chứ không phải được hưởng lợi!”.

Tiền của dân mà dân chẳng lợi

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu mà các cơ quan chức năng hoặc doanh nghiệp vẫn thường công bố thực ra chỉ là những con số "chết". "Quỹ này trong thực tế là quỹ phân tán, sử dụng theo kiểu quyết toán nên tồn tại nhiều bất cập, gây mất lòng tin với người tiêu dùng" - ông Phong nói. Cụ thể theo ông Phong, người tiêu dùng cho đến nay vẫn không nắm được cách thức, nguyên tắc sử dụng quỹ vốn đang rất tù mù này.

Nghịch lý nữa ở chỗ quỹ này thực chất được hình thành từ đóng góp duy nhất của người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua xăng dầu. Thế nhưng, trích lập quỹ thế nào, xả quỹ ra sao… nhất nhất đều do cơ quan quản lý “quyết” theo “tín hiệu” từ những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng còn “thiệt đơn, thiệt kép” khi phải góp tiền duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Người tiêu dùng phải mua xăng dầu đắt hơn khi trích lập quỹ. Số tiền mà họ phải bỏ ra thêm khi mua xăng dầu nhằm trích lập quỹ có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng hoặc hơn.

Ông Phong thẳng thắn cho rằng: “Đúng ra chúng ta nên bỏ quỹ bình ổn này từ lâu vì là tiền của dân mà dân chẳng được lợi gì”. Ông Phong phân tích, về bản chất, quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân đóng vào để “lúc giá xăng thấp thì họ phải mua với giá cao và khi giá cao thì được hạ xuống một tí nhưng sau đó lại bắt người dân nộp tiền bù vào qua giá xăng. “Theo tôi, đã đến lúc phải bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì không có tác dụng gì nhiều. Chưa kể nó còn làm nhiễu thị trường”, PGS.TS Nguyễn Minh Phong kết luận.

Để khắc phục tình trạng lạm dụng công cụ quỹ bình ổn giá, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu: “Việc sử dụng Quỹ bình ổn được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân…” (Khoản 2 Điều 37). Đồng thời quy định rõ Chính phủ mới được quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá (Khoản 1 Điều 38).

(Trích Nghị định số 83⁄2014⁄NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu)

Quỹ bình ổn được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở. Theo quy định là 300 đồng/lít của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập cho phù hợp với biến động của thị trường. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích: Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng quỹ, chỉ cho phép sử dụng khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Quý Bình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN