"Doanh nghiệp đang rơi vào xu hướng li ti hóa"

Các hiệp định thương mại mở ra môi trường minh bạch cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phát triển. Nhưng chi phí giao dịch, lót tay, thuế, phí quá lớn… lại đang là lực cản, khiến DN Việt không thể lớn.

"Doanh nghiệp đang rơi vào xu hướng li ti hóa" - 1

TS. Võ Trí Thành

Tại hội thảo Hiệp định TPP- cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam sáng 1/3, TS.Võ Trí Thành – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thẳng thắn chỉ ra những kẽ hở khiến DN Việt Nam mãi nhỏ, không thể lớn.

Theo TS. Võ Trí Thành, thế giới vẫn bị chi phối bởi hàng trăm ngàn tập đoàn đa quốc gia, nên phê phán hay nhìn với ánh mắt không thiện cảm thì chúng ta vẫn phải “bắt tay” với các tập đoàn này…

“Đấy là bối cảnh hiện nay mà Việt Nam phải đối mặt. ”- ông nói.

TS. Thành cắt nghĩa, nếu CNH-HĐH truyền thống là dựa vào xuất khẩu, nhập khẩu hay DN FDI là chủ yếu… thì nay với các hiệp định thương mại tự do (FTA) không gian chính sách bị thu hẹp dù vai trò của Nhà nước lớn hơn. Cách thức sống và sản xuất kinh doanh đang có sự thay đổi cực lớn.

Thời cơ mở ra là vạy, nhưng Việt Nam có tận dụng được thời cơ hay không thì lại là vấn đề. Ông Thành cho rằng, thực tế, DN Việt Nam không lớn lên được, thậm chí đang có xu hướng cá thể hóa, li ti hóa…

Chỉ ra nguyên do khiến DN Việt Nam “li ti hóa”, theo nguyên Phó Viện trưởng CIEM, đó là vấn đề quyền tài sản, vấn đề xử lý nợ xấu, quyền tài sản đối với tài sản thế chấp của ngân hàng và quyền tài sản của người đi thế chấp. Kế đến là cạnh tranh và tiếp cận công nghệ, vốn, đất đai. Cuối cùng là tinh thần học hỏi.

Điều khiến vị nguyên Phó Viện trưởng CIEM cảm thấy buồn, là đang có cái nhìn “đối nghịch” giữa DN trong nước và DN FDI. Ông cũng chỉ ra, môi trường kinh doanh với chi phí giao dịch thuế, phí, lót tay quá lớn… đang khiến DN Việt không thể lớn, khó cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.

“Tới đây, khi các hiệp định thương mại mới mở ra như FTA giữa EU – Việt Nam, hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) … sẽ tạo ra môi trường cực tốt, cực minh bạch và lợi thế công bằng hơn cho DN vừa và nhỏ. Thách thức khó khăn vô cùng lớn, cái chính là phải tự tin. Nếu chưa “chơi” mà không tự tin thì chắc chắn sẽ thua” – ông Thành quả quyết.

Ông cho rằng, 25 năm qua, từ năm 1989 đến nay Việt Nam đã có nhiều thay đổi, không chỉ về thu nhập, mà nhìn về phía cạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) nền kinh tế có 3 thay đổi lớn. Nền kinh tế dựa vào Nhà nước chuyển sang dựa chủ  yếu vào công nghiệp, dịch vụ; từ kinh tế khép kín sang “mở rộng cửa”, “chơi” với tất cả các nước; nền kinh tế dựa chủ yếu vào DNNN thì nay “tựa” nhiều hơn vào khu vực DN tư nhân trong nước, DN FDI…

“Câu chuyện CNH-HĐH tại Việt Nam nói sâu hơn là vấn đề chưa có tiền lệ trong lịch sử”- ông Thành nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN