Khổ vì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả

ĐBSCL có trên 2,4 triệu ha đất nông nghiệp (hơn 85% là đất lúa), là địa bàn tiêu thụ phân bón, thuốc trừ sâu lớn nhất nước. Thế nhưng, tại vùng đất mỗi năm sản xuất ra hơn 21 triệu tấn lúa này, vật tư nông nghiệp dỏm đang hoành hành...

Nông dân lãnh đủ

Đầu tháng 9.2012, nông dân Nguyễn Văn Hai (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, Long An) khiếu nại đến Phòng NNPTNT huyện chuyện ông trồng lúa không trổ bông. Theo trình bày của ông Hai, ông vụ hè thu 2012 ông xuống giống 5ha lúa. Trong số này, có 2ha thiệt hại 100% do lúa không trổ bông.

Hiện ông còn giữ lại mấy chai thuốc của Công ty Map Pacific và cho rằng thuốc kém chất lượng nên lúa bị thiệt hại. Cán bộ nông nghiệp địa phương vẫn chưa thể xác định do thuốc nào gây hại, do đó đề nghị ông Hai giữ lại mẫu thuốc để dùng đối chứng trong vụ lúa đông xuân tới.

Khổ vì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả - 1

Mua được phân bón đảm bảo chất lượng vẫn là việc khó khăn của nông dân vùng ĐBSCL (ảnh minh họa).

Vụ hè thu mới đây, nhiều nông dân ở xã Hòa Thuận (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) mua thuốc Amistar Top (Thụy Sĩ) về sử dụng cho gần 10ha lúa. Sau khi sử dụng, lúa bị nghẹn đòng và lép đen làm giảm năng suất từ 15-20%. Cơ quan Quản lý thị trường vào cuộc, xác định đây là thuốc Amistar Top giả được tung ra thị trường với thủ đoạn “vỏ thật ruột giả”. Nông dân khiếu nại thấy khó được đền bù nên cuối cùng “hòa cả làng”.

Đầu năm 2012, các cơ quan chức năng ở Hậu Giang phát hiện 14 bao phân bón kali giả nhãn hiệu của Công ty TSC Cần Thơ. Tại Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang... ngành chức năng cũng phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, phân bón giả…

Ông Năm Khôi – chủ đại lý vật tư nông nghiệp Năm Khôi ở xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, Long An kể, năm 2006, ti vi quảng cáo rầm rộ một loại phân bón lá của Thái Lan, sau đó có người đến tiếp thị ông dùng thử, đặt vấn đề phân phối độc quyền. Nghe họ nói bùi tai, ông mua về dùng thử nghiệm ngay trên 10ha đất nhà. Kết quả là toàn bộ diện tích lúa của ông trổ bông rất ít, có bông thì hạt lúa lại lép, thiệt hại nặng nề. “Cũng may là tui chưa phân phối cho bà con, chứ không thì bán nhà đền cũng không nổi. Bị lần đó, tui tởn đến già” – ông Khôi nói.

Ông Khôi cho biết, với phân bón do các doanh nghiệp lớn sản xuất, đại lý như ông chỉ lời khoảng 2%, chủ yếu nhờ quay vòng nhanh. Trong khi đó, bán hàng không tên tuổi, lợi nhuận cho đại lý luôn trên dưới 30%. Mức lãi “khủng” này làm nhiều đại lý “mờ mắt”, quên luôn quyền lợi của nông dân. “Họ mời kiểu gì tui cũng không nhận về bán, vì mình lợi 1 nông dân thiệt đến 10 thì mất đạo đức lắm” - ông Khôi nói.

Cũng theo lời ông Khôi, loại “phân Thái” mà ông sử dụng năm 2006, đến nay vẫn được quảng cáo rầm rộ và nhiều đại lý đang bán bởi lợi nhuận rất cao và nông dân vẫn là người gánh hậu quả.

Kiểm đâu dính đó

Theo Trần Văn Quốc – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (đóng tại Mộc Hóa, Long An), phân kali có giá khá cao nên là mặt hàng bị làm kém chất lượng nhiều nhất. “Chúng tôi thấy mẫu nào khả nghi, lấy đi kiểm định thì kiểm 10 dính 9” – ông Quốc nói.

Một cán bộ Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính bình quân kiểm tra 10 điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp thì có 2 – 3 điểm vi phạm. Địa phương này có gần 700 đại lý lớn nhỏ cung ứng các loại vật tư nông nghiệp nên việc kiểm tra thường xuyên không dễ dàng. Tại Long An, số đại lý lên đến gần 1.000 điểm.

Tính ra, toàn vùng ĐBSCL có trên 10.000 đại lý lớn nhỏ kinh doanh vật tư nông nghiệp, trong khi lực lượng kiểm tra (quản lý và Thanh tra Sở NNPTNT) chỉ vài trăm người, không tài nào kiểm xuể. Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, từ đầu năm đến nay Thanh tra Sở phát hiện 25 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, phạt tiền khoảng 500 triệu đồng.

Tại Đồng Tháp, tình hình kinh doanh vật tư nông nghiệp dỏm cũng đáng lo ngại. Hiện các cơ quan chức năng đã tạm giữ trên 200 tấn phân bón, gần 3.000 chai thuốc bảo vệ thực vật và gần 400 chai phân bón lá kém chất lượng... với trị giá hàng tỷ đồng.


“Mỗi bao phân dỏm bán ra, bọn gian thương kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nông dân xài trúng phân dỏm, năng suất lúa giảm đến vài tấn/ha, thiệt hại cả chục triệu đồng. Thế nhưng mức chế tài hiện nay đối với phân giả, phân kém chất lượng còn quá thấp nên không đủ sức răn đe” – ông Đức nói.

Tại An Giang, kết quả kiểm tra tại 418 cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong 6 tháng đầu năm 2012, có đến 158 trường hợp vi phạm. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 232 tấn phân bón, 2.997 chai và 515kg thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 2 tỷ đồng. Tại xã Thoại Giang (huyện Thoại Sơn, An Giang), nhiều nông dân dính “quả đắng” khi phân và thuốc được “khuyến mãi” cả ti vi, tủ lạnh, “bèo” lắm cũng là cái điện thoại màn hình cảm ứng của Trung Quốc.

“Tôi có 5,5ha lúa, đại lý dỗ ngọt mua trọn gói 8 triệu đồng vật tư/ha, họ thưởng cái tủ lạnh. Tôi bỏ ra hơn 40 triệu mua hàng, dè đâu lúa ra toàn hạt lép. Đi khiếu nại thì đại lý nói họ cũng bị lừa vì ôm cả đống hàng, tiền đã thanh toán cho công ty mà hàng thì bán không được” – ông Năm Miểu - nông dân ở Thoại Sơn bức xúc nói.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hữu Danh - Dân Việt
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN