Chống bơm tạp chất vào tôm: Cần xử lý cứng rắn để hạ nhiệt

Sự kiện: Thực phẩm bẩn

Gần 20 năm nay, mặc dù đã có nhiều “chiến dịch” ngăn chặn nạn đưa tạp chất vào tôm, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Theo ngành chức năng các tỉnh, muốn triệt để đẩy lùi vấn nạn này thì cần có những giải pháp “cứng rắn” hơn nữa.

Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm

Việc đưa tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín - thương hiệu tôm Việt và gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, gây bức xúc, bất bình trong xã hội.

Chống bơm tạp chất vào tôm: Cần xử lý cứng rắn để hạ nhiệt - 1

Lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở đưa tạp chất vào tôm ở tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: N.Q

Theo Sở NNPTNT các tỉnh, cần có sự phối hợp, hỗ trợ một cách thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các tỉnh có địa bàn giáp ranh với nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất.   

Tôm có chứa tạp chất (agar, CMC) sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm phát triển, khiến người ăn dễ bị mắc một số bệnh như thương hàn, tiêu chảy, nhiễm trùng máu và gây hại đến gan, thận… Chính vì vậy, công tác tuyên truyền về tác hại của việc đưa tạp chất vào tôm là hết sức cần thiết.

Ông Trần Quốc Hội - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thông qua công tác tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và phối hợp kiểm tra, kiểm soát, đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức từ các chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh thủy sản và người dân.

“Tỉnh đã tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết nói không với nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất. Đặc biệt, danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, để có tác dụng cảnh báo, răn đe” - ông Hội thông tin.

Chống bơm tạp chất vào tôm: Cần xử lý cứng rắn để hạ nhiệt - 2

Các tạp chất đưa vào tôm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: N.Q

Còn theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, cần phát huy tốt vai trò Hội Chế biến xuất khẩu, Hội Thủy sản, các đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước và của ngành, nhất là việc tổ chức ký và thực hiện cam kết nói không với tạp chất của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong ngành tôm.

4 tỉnh ĐBSCL bắt tay chấm dứt bơm tạp chất vào tôm

Tuy nhiên, qua thực tế, các tỉnh đều cho rằng xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất chưa đủ tính răn đe. Lãnh đạo các tỉnh kiến nghị Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan xem xét đưa hành vi này vào xử lý hình sự.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan tiến hành tổ chức kiểm tra tất cả các nhà máy chế biến thủy sản trên phạm vi toàn quốc về việc thu mua tôm có chứa tạp chất và có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Tổ kiểm tra tạp chất của Bộ tăng cường nhiều hơn công tác kiểm tra tạp chất tại nhà máy chế biến thủy sản.

Cuối tháng 5 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT của 4 tỉnh gồm Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang đã ký kết phối hợp ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất, nhằm hướng đến liên kết kiểm tra các cơ sở thu mua tôm, nhất là các xe vận chuyển tôm có chứa tạp chất đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Mục tiêu của 4 tỉnh trên là đến năm 2018 phải chấm dứt vấn nạn này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Hoàng Thanh - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Kiên Giang, thông tin: Ngoài phần lớn tôm nguyên liệu có tạp chất được xuất qua Trung Quốc, một phần được các cơ sở thu gom đưa tiêu thụ thị trường nội địa. Cá biệt ở tỉnh Kiên Giang, tôm tạp chất được xuất sang nước bạn Campuchia do thị trường tiêu thụ tôm tăng trong một vài năm gần đây.

“Lực lượng chức năng Campuchia đang tăng cường kiểm tra rất chặt chẽ và sẽ tiêu hủy nếu phát hiện có chứa tạp chất đối với lượng tôm nhập từ nước ta” - ông Thanh thông tin thêm.

Cũng theo ông Thanh, đơn vị kiến nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu còn để xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất, sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất tại địa bàn do mình quản lý. “Chúng tôi rất mong nhận được nhiều hơn nữa thông tin tố giác của người dân qua đường dây nóng để xử lý hiệu quả, triệt để các vụ việc vi phạm về tạp chất trên địa bàn tỉnh” - ông Thanh Nói. 

Ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): Bơm tạp chất vào tôm chủ yếu do đại lý

Chống bơm tạp chất vào tôm: Cần xử lý cứng rắn để hạ nhiệt - 3

Tôi khẳng định vấn đề bơm tạp chất phần lớn không phải nông dân làm mà đại lý mua về làm vì lợi nhuận cao. Nhà nước cần xử lý mạnh tay vì con tôm này nếu bán ra nước ngoài sẽ làm hình ảnh con tôm Việt Nam trở nên rất xấu xí, khó mở rộng thị trường. Từ đó mục tiêu đạt được 10 tỷ USD là khó thực hiện. Theo tôi cần xử lý luôn người mua bơm tạp chất. Vế chất lượng con tôm thì tôm nuôi tại đầm có chất lượng tốt. Các thủ thuật ngâm chủ yếu ở người mua là thương lái. Vì vậy, nhà máy mua tôm cần đưa ra tiêu chuẩn về giá để điều chỉnh sẽ đảm bảo chất lượng khi thu mua.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú: Không xử lý hình sự sẽ không ngăn chặn triệt để

Chống bơm tạp chất vào tôm: Cần xử lý cứng rắn để hạ nhiệt - 4

Trong các thị trường tiêu thụ lớn tôm của Việt Nam, những năm trước thị trường Nhật quy định kháng sinh rất ngặt nghèo nhưng cuối năm 2016 và 2017 thì thị trường Mỹ và EU quy định còn khó hơn. Họ quy định phải sạch kháng sinh 100% và phải sạch vi sinh có hại nữa.

Để nuôi tôm không có kháng sinh trong điều kiện dịch bệnh lan tràn như hiện nay thì theo tôi nên nuôi trong điều kiện con giống tốt (kháng sinh tốt) và nên nuôi với mật độ tôm thoáng hơn. 

Về tình trạng tôm bơm tạp chất, nói cho công bằng thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Đó là sự quản lý lỏng lẻo, không chặt chẽ khi để tình trạng này tràn lan, gây ảnh hưởng đến hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nói thật, lợi nhuận của việc bơm tạp chất vào tôm có thể tương đương với buôn bán ma túy. Do đó nếu không xử lý hình sự thì không đến nơi, đến chốn bởi nếu xử lý hành chính như hiện tại thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chúc Ly (Dân Việt)
Thực phẩm bẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN