Chân gà, cánh gà... nước ngoài 'đổ bộ' vào Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Riêng cánh gà, Việt Nam nhập từ Brazil với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD trong gần ba tháng đầu năm 2017.

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-3, Việt Nam nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD với giá trung bình mỗi ký chỉ vào khoảng 1,44 USD, tương đương gần 33.000 đồng. 

Trong đó, các loại thịt gà và phụ phẩm khác của gà với 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD, tương đương 1 USD/kg (khoảng 23.000 đồng). 

Việt Nam cũng nhập cánh gà từ Brazil với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD trong gần ba tháng đầu năm 2017. Tính ra giá cánh gà Brazil nhập về Việt Nam khoảng 1,8 USD/kg (hơn 41.000 đồng/kg). Các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD, tương đương 2,13 USD mỗi ký (48.500 đồng). 

Chân gà, cánh gà... nước ngoài 'đổ bộ' vào Việt Nam - 1

Trong khi đó, theo thông tin riêng của Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch hiệp hội này, cho biết giá thịt gà nhập từ Brazil về cảng Việt Nam có giá rất rẻ chỉ 0,3-0,45 USD/kg, tính ra chỉ 7.000-11.000 đồng/kg.

Theo ông Quyết, có thể số lượng thịt gần hết hạn sử dụng có giá bán rẻ nên các doanh nghiệp Brazil xuất khẩu giá rẻ sang các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, sau thông tin nhiều công ty sản xuất thịt của Brazil bị điều tra vì xuất khẩu thịt nhiễm bẩn, sử dụng hóa chất cấm thì cơ quan thú y của Việt Nam cũng vừa yêu cầu ngừng nhập khẩu thịt từ nước này.

Cũng theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15-3-2017 cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Trong đó, Mỹ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với hơn 20 triệu USD, chiếm tỉ trọng 32% tổng lượng thịt và phụ phẩm sau giết mổ nhập khẩu của cả nước.

Đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD, chiếm tỉ trọng 23%. Thị trường Úc đứng thứ ba với hơn 8 triệu USD, chiếm tỉ trọng 13%. Thị trường Brazil đứng thứ tư với tỉ trọng 6%. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN