Cam kết an toàn cho hàng Tết

Sự kiện: Hàng Tết 2019

TP HCM quyết tâm đưa ra thị trường những thực phẩm an toàn để phục vụ người dân trong dịpTết nguyên đán 2017.

Nhận định người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả nên tất cả hệ thống siêu thị đều tung chương trình khuyến mãi rầm rộ, theo chủ đề từng tuần trong tháng chạp và cơ cấu những mặt hàng bán giá tốt nhằm gây sự chú ý cho khách hàng.

Sức mua “nóng” từng ngày

Ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM trong ngày 14-1 (17 tháng chạp), lượng khách đổ về mua sắm đông nghẹt. Theo quan sát của phóng viên, ngoài nhóm hàng tươi sống phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày, hầu hết các xe/giỏ hàng của khách đi chợ là quần áo, bia - nước giải khát, bánh kẹo và đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm. Theo lối đi giữa các kệ hàng là bảng giá, bảng khuyến mãi và đội ngũ nhân viên nhiệt tình hướng dẫn khách tìm hàng, tư vấn mua sản phẩm nào để được khuyến mãi… Hàng hóa liên tục được châm đầy trên các quầy kệ cho khách lựa chọn.

Cam kết an toàn cho hàng Tết - 1

TP HCM quyết tâm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán 2017 Ảnh: Hoàng Triều

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), gọi hiện tượng khách sắm Tết tăng cao trong ngày thứ bảy, dự kiến kéo dài đến hết ngày chủ nhật (15-1) và nối tiếp đến Tết là bất thường bởi sau Tết dương lịch, sức mua vẫn còn chậm. Các siêu thị Big C, Lotte Mart, Emart… cũng cho biết lượng khách gia tăng, doanh số một số nơi đã cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cuối tháng 12-2016.

Thực phẩm tươi sống là mặt hàng chủ lực để cạnh tranh thu hút khách đến siêu thị nên được chăm chút kỹ, không để xảy ra thiếu hàng hay hàng chất lượng kém. Theo ông Nguyễn Anh Đức, tất cả nguồn hàng đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm đủ cung ứng cho thị trường và phòng trường hợp có biến động. Với mặt hàng rau củ, các nhà cung cấp từ Đà Lạt và các HTX rau an toàn TP HCM đã chủ động nguồn hàng, chốt số lượng, giá cả. Từ nay đến Tết, mặt hàng rau củ trong danh sách bình ổn thị trường, hàng thiết yếu sẽ được giữ giá cố định, một số mặt hàng mùa Tết nếu tăng giá sẽ dưới 5%. Ông Lê Hữu Tình, Giám đốc marketing siêu thị Emart, cho biết đã làm việc với một số nhà cung cấp rau củ để chủ động nguồn hàng, trong trường hợp rau củ Đà Lạt có giảm số lượng cung ứng thì có nguồn khác thay thế.

Tại các chợ đầu mối, lượng hàng cũng bắt đầu tăng. Ban Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền cho biết lượng hàng về chợ và tiêu thụ mặt hàng thủy hải sản, trái cây Tết tốt hơn cùng thời điểm năm 2016 nhưng rau củ thì giảm sút cả về lượng lẫn sức mua. Nguyên nhân do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua làm hư hại rau củ, sản lượng giảm nên giá đội lên, sức mua vì vậy chậm hơn.

Công bố nhiều đường dây nóng

Sau gần 1 tháng vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên kênh mua sắm hiện đại, cũng như công bố danh sách những điểm bán thịt heo có thể truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến nơi giết mổ, nơi kinh doanh (ngày 16-12-2016), Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá việc truy xuất nguồn gốc thịt heo là một việc khó, kết quả ghi nhận bước đầu khả quan. Đây là tiền đề tiến tới xây dựng cách thức, cơ chế để truy xuất nguồn gốc các mặt hàng khác như rau củ quả, trứng và các loại thịt; là mục tiêu TP hướng tới nhằm cung cấp cho người dân công cụ để chủ động lựa chọn sản phẩm tươi, sạch, đạt tiêu chuẩn cho bữa ăn hằng ngày.

Sở Công Thương, đơn vị chủ lực thực hiện đề án, đang xem xét khả năng triển khai chương trình này tại kênh bán hàng truyền thống trước Tết âm lịch. Trước mắt, có thể sẽ triển khai ở các chợ đầu mối và chợ Bến Thành (quận 1).

Ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, cho biết khả năng sẽ có nhiều hộ kinh doanh mặt hàng thịt heo ở chợ tham gia đề án, ban quản lý chợ cũng sẵn sàng hợp tác và chờ Sở Công Thương triển khai cụ thể. Bên cạnh việc triển khai thí điểm nhận diện nguồn gốc thịt heo, TP cũng đang triển khai đề án truy xuất nguồn gốc mặt hàng rau củ quả, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối. Tương tự đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, các mặt hàng rau củ cũng sẽ được dán tem nhận diện truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng tải phần mềm nhận diện về điện thoại thông minh (smartphone) soi tem là có thể biết được tất cả thông tin liên quan đến xuất xứ bó rau.

Năm nay, TP quyết tâm đưa ra thị trường những thực phẩm an toàn phục vụ người dân ăn Tết. Do đó, đã có nhiều đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường Tết được thành lập và đang tích cực phối hợp các quận - huyện triển khai nhiệm vụ. Một số cơ quan còn công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế cho biết nhân viên chi cục sẽ trực điện thoại trong tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo về an toàn vệ sinh thực phẩm và các sự cố liên quan đến ngộ độc thực phẩm của người dân. Chi cục QLTT cũng công bố số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh liên quan đến hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn…

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Cân đối cung - cầu trong mọi tình huống

Nguồn hàng cung ứng Tết nguyên đán 2017 bảo đảm cân đối cung - cầu trong mọi tình huống. Đến thời điểm này, các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường huy động lượng lớn các mặt hàng thiết yếu, đủ khả năng dẫn dắt thị trường. Trong đó, nguồn thịt gia cầm các doanh nghiệp bình ổn chuẩn bị chiếm gần 60% thị phần, đường chiếm hơn 43%, trứng gia cầm chiếm 48%, thực phẩm chế biến chiếm hơn 38%, thịt chế biến chiếm 35,5%... Riêng mặt hàng rau củ quả, thời gian qua xuất hiện một số thông tin lo ngại sẽ khan hiếm rau củ Đà Lạt, giá rau củ quả trên thị trường sẽ tăng… Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị cung ứng mặt hàng này và được biết hiện nguồn rau Đà Lạt chỉ hụt mặt hàng xà lách, cà chua; nhà vườn ở Bình Chánh và các địa phương miền Tây đủ năng lực bù đắp lượng thiếu hụt này. Đầu tuần sau, chúng tôi sẽ có buổi làm việc với các đơn vị cung ứng rau củ quả Tết để cập nhật tình hình và thông tin cho người dân TP yên tâm.

Bà HUỲNH THỊ KIM CÚC, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM:

Giúp người tiêu dùng an tâm

Để tăng thêm sự tin tưởng và an tâm cho người tiêu dùng khi sử dụng rau có thương hiệu được kiểm soát từ gốc, UBND TP phối hợp với CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) triển khai mô hình sử dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc rau an toàn. Đây là một trong những hoạt động nhằm hoàn thiện việc xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có nhãn truy xuất nguồn gốc đã được ngành nông nghiệp triển khai nội bộ qua hệ thống sổ sách ghi chép trước đó.

Bắt đầu từ tuần tới (16-1), người tiêu dùng có thể sử dụng ứng dụng Zalo trên smartphone dùng hệ điều hành Android để xem thông tin rau quả đóng gói của HTX Phú Lộc và Phước An bán tại siêu thị Co.op mart, Lotte, Big C, Aeon Mall, Chợ phiên nông sản an toàn. Các chủng loại rau quả được thí điểm gồm: rau muống, rau dền, mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải ngồng, cần nước, rau lang, cải thìa, rau ngót, dưa leo, khổ qua với sản lượng tiêu thụ ước tính khoảng 3 tấn/ngày. Khi dùng ứng dụng này, người tiêu dùng không chỉ biết được “đường đi” của rau từ khi thu hoạch đến đóng gói, bán lẻ mà còn rõ quy trình trồng trọt, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Đây là sự minh bạch thông tin và tăng tính trách nhiệm của các khâu làm nên sản phẩm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op:

Kiểm soát chặt

Thời gian qua, chúng tôi đã tổng rà soát các mặt hàng đang bán tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, kiên quyết loại những nhà cung cấp vi phạm các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm và yêu cầu mọi nhà cung cấp phải kiểm soát hàng hóa chặt chẽ. Bản thân Saigon Co.op ngoài phòng xét nghiệm ở kho hàng tươi sống (tại Bình Dương), lưu mẫu và gửi mẫu hàng hóa đến các phòng xét nghiệm kiểm tra theo quy định; còn chi gần 3 tỉ đồng để đầu tư xe xét nghiệm lưu động, luân phiên lấy mẫu, xét nghiệm tại chỗ ở các điểm bán lẻ thuộc Saigon Co.op trong phạm vi TP HCM.

Song song đó, chúng tôi tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa - đặc biệt là thực phẩm - ở cả 3 khâu: nhà cung cấp, các phòng chức năng Saigon Co.op trực tiếp đi khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm và đầu tư thêm thiết bị, vách ngăn, màng chắn… cho các siêu thị để tránh nhiễm chéo.

T.Nhân - Ng.Ánh ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương An (Người lao động)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN