Cá sấu rớt giá, người nuôi lao đao

Sự kiện: Kinh Doanh

Bị ép giá, đầu ra bấp bênh nên hàng trăm nghìn con cá sấu quá lứa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tồn ứ, khiến người nuôi lao đao.

Theo ghi nhận ở nhiều địa phương tại Cà Mau, Bạc Liêu, giá cá sấu do thương lái thu mua hiện dao động từ 110.000đồng - 120.000đồng/kg, tăng gấp đôi so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Nguyễn, người chuyên cung cấp cá sấu giống và mua cá sấu thương phẩm khu vực Cà Mau, mức giá này mới chỉ bằng một nửa so với các năm 2014- 2015.

Ông Lữ Mến, ở ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long (Bạc Liêu) vừa xuất chuồng bán hơn 200 con cá quá lứa với giá hơn 110.000đồng/kg. Ông Mến cho rằng giá cá sấu bán ra tăng nhưng giá cá thức ăn cho cá sấu cũng tăng theo, từ 7.000đồng/kg lên 14.000đồng- 15.000đồng/kg nên người nuôi không thể có lời. Chưa kể, những cá sấu có trọng lượng lớn hơn 20 kg/con nhưng thương lái cũng chỉ trả tiền 20 kg, phần dôi ra không được tính.  

Cá sấu rớt giá, người nuôi lao đao - 1

Cá sấu càng lớn càng bị ép giá.

Ông Huỳnh Thanh Liêm, hàng xóm của ông Mến cho biết, trước Tết Nguyên đán 2016, giá cá sấu khoảng 160.000 đồng/kg, sau đó rớt xuống còn 60.000đồng/kg. Do không còn khả năng mua thức ăn nên ông Liêm phải bán tháo cá quá lứa để tránh nợ nần. 

Biết các hộ nuôi đang khó, thương lái ép giá, cụ thể là cá dù nặng hơn 20 kg nhưng cũng chỉ tính tiền 20 kg. Ông Nguyễn Văn Như, ở ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) đang tồn 40 con cá sấu với trọng lượng hơn 30 kg/con. Ông nói: “Chỉ tính tiền 20 kg với cá có trọng lượng lớn hơn là một cách thương lái ép giá người nuôi”.

Người nuôi cá sấu đang tiến thoái lưỡng nan: Bán thì lỗ nhưng không dễ bán, không bán thì đọng vốn và lún sâu vào nợ nần.

Trang trại nuôi cá sấu Phương Tín (xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, Bạc Liêu) đang trong tình trạng dở sống, dở chết vì gần 30.000 con đang bế tắc đầu ra. Ông Trương Thanh Mai, chủ trang trại cho biết, do thị trường xuất khẩu cá sấu gặp nhiều khó khăn nên ông phải chuyển hướng sang lột da, thuộc và dự trữ. Cũng vì giá cả bấp bênh nên các hộ nuôi thường chần chừ thả lứa giống mới.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn tỉnh này có 1.925 hộ đăng ký gây nuôi cá sấu với tổng đàn trên 220.000 con. Hiện còn tồn khoảng 80.000 con. Cà Mau cũng tương tự. Ông Đỗ Văn Đồng-Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng gần 100.000 con cá sấu, phần lớn đã đến lứa xuất bán nhưng bà con vẫn tiếp tục chờ giá. Người nuôi cá sấu đang tiến thoái lưỡng nan: Bán thì lỗ nhưng không dễ bán, không bán thì đọng vốn và lún sâu vào nợ nần.

Ông Lương Ngọc Lân-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo: “Giá cá sấu không ổn định, đầu ra chưa rõ ràng, vì vậy bà con không nên gây nuôi cá sấu bằng tiền vay vì rủi ro”. Ông Trần Văn Ân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, chính quyền địa phương hiện không khuyến khích người dân nuôi cá sấu vì đầu ra bế tắc. Nuôi cá sấu quy mô trang trại cần phát huy nhưng phải có kỹ thuật nuôi và chế biến sản phẩm thuộc da”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tiến Hưng (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN