Cà phê trộn, cà phê bẩn và gian lận thương mại

Thời gian qua, thông tin cà phê rởm xuất hiện nhan nhản trên thị trường đã khiến dư luận trong nước vô cùng hoang mang lo ngại. Đáng nói ở đây là nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng cũng đã thừa nhận bán cà phê trộn.

Cà phê trộn, cà phê bẩn và gian lận thương mại - 1

Ảnh minh họa

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh cà phê đang diễn biến khá phức tạp, đáng lo ngại nhất là xuất hiện tình trạng cà phê bẩn, độc, pha trộn lừa dối người tiêu dùng, gây tổn hại đến các thương hiệu cà phê và ảnh hưởng đến uy tín cũng như thương hiệu của cà phê Việt Nam. Trong đó, hai cụm từ "cà phê trộn" và "cà phê bẩn" được đem ra bàn luận nhiều nhất mỗi khi nhắc tới sản phẩm này. Và câu hỏi được mọi người đặt ra nhiều nhất chính là "cà phê trộn" có phải "cà phê bẩn" hay không?

Bàn về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định rằng "cà phê bẩn" là loại sản phẩm có chứa các chất độc hại với hàm lượng vượt quá mức giới hạn cho phép, điều này gây ra nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. "Cà phê trộn" là cà phê sản phẩm, trong đó một phần cà phê đã được thay thế bằng hạt cốc rang như ngô, đậu nành ở mức độ khác nhau. Còn "cà phê an toàn" hay còn gọi là “cà phê sạch” được xem là những sản phẩm có thể chứa những chất độc hại nhưng hàm lượng của chúng ở dưới mức giới hạn cho phép, tức là những chất độc hại có hàm lượng thấp không thể gây ra những nguy cơ làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Khi đưa ra thị trường tiêu thụ, “cà phê trộn” thường bị quy kết là “cà phê bẩn”. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, thị trường không nên đánh đồng hai khái niệm này. Không thể coi các loại “cà phê trộn” là "cà phê bẩn" nếu không đủ chứng cứ. Nếu cơ sở hoặc doanh nghiệp sản xuất nào đó có sử dụng hạt cốc rang để trộn với cà phê theo một tỷ lệ cho phép và sản phẩm được các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm định về an toàn thực phẩm thì sản phẩm cà phê của cơ sở này là “cà phê trộn” sạch. Tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất này không được công bố sản phẩm là cà phê nguyên chất mà cần minh bạch để không bị coi là gian lận thương mại. 

Ngược lại, những cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê sử dụng hạt cốc rang để thay thế cà phê, dùng những hóa chất không được phép để tạo màu và tạo mùi và đưa sản phẩm ra thị trường không có nhãn mác thì đó là sản phẩm gian lận và bất hợp pháp. Cà phê của cơ sở này được gọi là “cà phê trộn” bẩn và phải bị cấm lưu hành. Như vậy, theo ông Thịnh, “cà phê trộn” không đồng nghĩa với “cà phê bẩn”. Trên thị trường hiện nay vẫn đang lưu hành hai loại cà phê này.

Thời gian qua, vấn đề cà phê bẩn, độc, pha trộn đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ phía dư luận. Câu chuyện này một lần nữa lại nóng lên tại tọa đàm "Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp" ngày 20.7 khi nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê hàng đầu là như Vinacafe, Nestlé, Lê Phan… đều thừa nhận bán cà phê trộn đậu rang. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp đều cho là sử dụng mức trộn cho phép.

Trước lời "thú nhận" của các doanh nghiệp, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng nếu những doanh nghiệp này làm đậu rang ở một cơ sở sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, phụ gia nằm trong danh mục cho phép thì hoàn toàn không vi phạm về an toàn thực phẩm. Còn ngược lại, nếu các doanh nghiệp sản xuất đậu rang, bắp rang rồi tẩm thêm phụ gia cho giống với cà phê rồi công bố là cà phê nguyên chất thì đây lại là hành vi gian lận thương mại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN