Cá chết hàng loạt: Du lịch, thủy sản miền Trung bắt đầu ngấm đòn!

Lượng du khách hủy tour đến các tỉnh Bắc Trung bộ ngày càng tăng. Trong khi đó, cả đánh bắt, nuôi trồng và chế xuất thủy sản của các tỉnh miền Trung đang rất khốn đốn vì người dân không mua, xuất khẩu thì sợ bị phát hiện cá, tôm bị nhiễm độc!

Khách hủy tour tăng mạnh

Vụ các chết hàng loạt ở khu vực Bắc Trung bộ không chỉ gây những thiệt hại to lớn, trực tiếp đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mà còn tác động tiêu cực đến các địa phương ở xa hơn, như Đà Nẵng. Và chính TP này cũng đã bắt đầu “nếm mùi” thiệt hại!

Cá chết hàng loạt: Du lịch, thủy sản miền Trung bắt đầu ngấm đòn! - 1

Cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Trao đổi với PV Infonet sáng 26/4, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, tuy tình hình chưa rộ lên, chưa phải nặng lắm nhưng hiện cũng đã có một số du khách, chủ yếu là khách phía Nam, hủy tour đến Đà Nẵng cho dù tình trạng cá chết hàng loạt chưa xuất hiện trên vùng biển TP này.

Ông Huỳnh Tấn Vinh nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, nhất là trong mùa hè này, tôi e lượng khách đến Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng thêm. Khách đến miền Trung, đến Đà Nẵng là để tắm biển, thưởng thức hải sản, nhưng nếu dòng hải lưu, hiện là thời điểm chảy từ Bắc vào Nam, tiếp tục đưa các chất làm chết cá vào biển Lăng Cô, biển Đà Nẵng thì tình trạng khách hủy tour hàng loạt có lẽ sẽ xảy ra. Trước mắt, có một số khách sau khi đến Đà Nẵng mà có ý định đi Huế, Phong Nha... thì đã hủy tour!” – ông Huỳnh Tấn Vinh nói.

Tương tự, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (Vitour) cho hay, hiện lượng khách đã đăng ký với Vitour các tour ra khu vực Bắc Trung bộ nhưng thông báo hủy tour đang ngày càng lớn. Cùng với đó, khi Vitour giới thiệu các tour đi Huế, Quảng Bình... cho khách mới thì hầu như khách không quan tâm hoặc bảo để đợi cho qua “đợt cá chết” rồi mới tính!

Đặc biệt, về lâu dài, ông Huỳnh Tấn Vinh âu lo, nếu các chất làm chết cá từ vùng biển Bắc Trung bộ lan tràn vào vùng biển Đà Nẵng thì các rạn san hô ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng, không còn san hô cho khách lặn ngắm, không còn chỗ trú ẩn cho các loại thủy sản. “Ngoài kia thì giàn khoan, đảo nhân tạo, căn cứ quân sự, ra là bị bụp. Trong bờ thì không còn cá, không còn san hô. Vậy thì ngư dân chỉ còn nước úp thúng mà thôi. Mà tôi nghĩ, đó sẽ là nguy cơ cao!” – ông Huỳnh Tấn Vinh nói.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cần phối hợp với Hiệp hội Nghề cá Việt Nam để có tiếng nói, yêu cầu làm rõ nguyên nhân. Và nếu tìm ra đúng là do chất xả thải độc hại của Formosa thì cần phải xử lý thích đáng vì những hậu quả to lớn gây ra đối với môi trường, nền kinh tế.

Đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản đều khốn đốn

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản – thương mại Thuận Phước, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Đà Nẵng cho biết, tình trạng cá chết hàng loạt trên vùng biển Bắc Trung bộ đang gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành thủy sản các tỉnh miền Trung nói riêng và cả nước nói chung trên cả ba phương diện.

Về đánh bắt thủy sản, cùng với việc giá dầu đã bắt đầu tăng, ngư dân ra biển đánh bắt còn gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên thì bị tàu Trung Quốc ức hiếp, đánh đuổi. Vậy mà khi đem cá vô bán thì người tiêu dùng không mua vì không ai dám chắc cá này được đánh bắt ở vùng biển nào nên sợ mua nhầm cá bị nhiễm độc. “Có người bảo cá đánh bắt ở vùng biển xa thì không sợ bị ngộ độc, nhưng nguồn phát độc ở đâu thì đến nay đã có ai trả lời chính xác đâu?” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

Ngành nuôi trồng thủy sản trên biển đang rất khốn đốn do tình trạng cá chết hàng loạt, nhưng ngay cả những người nuôi trồng thủy sản trên bờ, ví dụ như các hộ nuôi tôm, thì cũng không tránh khỏi bị vạ, đặc biệt là từ vùng Nam Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế.

“Công ty của tôi hiện có mấy chục ha nuôi tôm ở ngoài đó, mấy ngày nay không dám thay nước. Muốn thay nước thì phải bơm nước biển vào hòa với nước ngọt. Nhưng từ ngày xảy ra cá chết hàng loạt đến nay chúng tôi rất hạn chế bơm nước biển vào vì đâu có biết nguồn nước đó có bị nhiễm độc hay không? Bằng chứng là đã có trại nuôi tôm ở Nam Hà Tĩnh do bơm nước biển vào mà tôm chết; một số trại ở Quảng Trị khi bơm nước biển vào thì tôm cũng ngắc ngoải hết. Vì vậy tôi phải gọi điện ra, bảo anh em cố gắng lắng lọc lại nước cũ để mà nuôi chứ không dám bơm nước mới!” – ông Trần Văn Lĩnh thuật lại.

Nhiều cơ sở chế biến dù biết nguồn cá do ngư dân đưa về không phải là cá chết mà là cá được đánh bắt từ ngoài biển vào nhưng họ vẫn rất ngại. Bởi xuất khẩu qua các nước tiến tiến, với trình độ của các nước đó, nếu kiểm định ra các hàm lượng độc trong cá thì sản phẩm sẽ bị trả về và doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín, thiệt hại rất là lớn. 

“Các đơn vị chuyên làm cá ngừ rất ngại vì sợ xuất khẩu đi thì bị phát hiện nhiễm độc. Các cơ sở chế biến chả cá cũng vậy. Thậm chí với cá thường được cho là đánh bắt xa bờ cũng bị ngại mua vì không ai biết đánh bắt ở đâu là xa mà ở đâu là gần. Có thể nói cả ngành thủy sản, bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến đang rất hoang mang, khó khăn do vụ việc này!” – ông Trần Văn Lĩnh nói.

Trả lời của Formosa kiểu... thế kỷ 19?

Trong bối cảnh như nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh cho rằng, phát ngôn “muốn bắt cá, tôm hay muốn xây dựng nhà máy thép?” của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Formosa trên kênh truyền hình VTC14 là hàm hồ và rất thách thức. Ông Huỳnh Tấn Vinh nêu rõ: “Thiếu gì nước trên thế giới phát triển công nghiệp rất hiện đại mà vẫn song hành với bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học rất tốt chứ không hề đặt ra câu chuyện phải chọn “một trong hai, cá tôm hoặc nhà máy”? Đặt ra sự lựa chọn như vậy là sai!”.

Theo luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), câu trả lời của ông Chu Xuân Phàm chứng tỏ Formosa vừa trịch thượng vừa không hiểu luật pháp. Việt Nam cho phép Formosa hoạt động trên lãnh thổ nhưng doanh nghiệp này phải tuân thủ pháp luật Việt Nam chứ họ không có quyền bắt người dân Việt Nam phải chấp nhận những sự đánh đổi vì hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Ông Trần Văn Lĩnh cũng chung quan điểm này và cho rằng lối trả lời của Giám đốc đối ngoại Formosa là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết. Theo ông, nay đã là thế kỷ 21 và sản xuất phải là sản xuất bền vững và sản xuất có trách nhiệm đối với con người, bao gồm con người trong sản xuất, con người là đối tượng thừa hưởng sản phẩm của sản xuất và cộng đồng chung quanh khu vực sản xuất đều phải được bảo đảm tốt. Bên cạnh đó, phải sử dụng một cách có trách nhiệm nguồn tài nguyên với định mức thấp nhất và không thải ra các chất gây nguy hại cho môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng chung quanh đó.

“Không thể nào nói tôi sản xuất cái này thì phải hy sinh cái kia được. Lối trả lời đó là lối trả lời của cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi các nước công nghiệp đi chiếm thuộc địa, khai thác, tận thu mà bất kể gì đến đời sống, môi trường ở các nước thuộc địa đó. Không thể chấp nhận trong thế kỷ 21, thế kỷ văn minh này mà lại có câu trả lời của một nhà doanh nghiệp như ông Giám đốc đối ngoại của Formosa được!” – ông Trần Văn Lĩnh phản ứng mạnh mẽ.!

Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường.

Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Châu (Infonet)
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN