Bỏ ít vốn nhưng thu lại bộn tiền nhờ vừa chơi vừa bán nhím cảnh

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhím cảnh có thể vừa chơi vừa kiếm tiền, nên rất nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để đầu tư chăm nuôi.

Nhím cảnh có đủ màu sắc từ trắng, muối tiêu, sôcôla, vàng… có giá từ 400.000đ – 500.000đ/con, những màu sắc đột biến lạ mắt như nhím pintos (có hai màu trắng đen hoặc trắng xám) giá cao gấp đôi.

Hiện nay, “sốt hàng” nhất là con pintos, đang được săn lùng, giá đến 900.000đ/con nhưng cũng khó kiếm. Những con có màu cam còn có giá đến 2,5 triệu đồng/con, và thỉnh thoảng mới có.

Chính vì vậy, khi đầu tư nuôi nhím cảnh người nuôi được thỏa thú nuôi vật cưng mà nếu khéo léo tính toán còn có thể nhanh chóng kiếm được lợi nhuận không hề nhỏ.

Bỏ ít vốn nhưng thu lại bộn tiền nhờ vừa chơi vừa bán nhím cảnh - 1

Nhím cảnh có nhiều màu sắc và nhỏ hơn rất nhiều so với nhím bình thường

“Hamster, sóc bay hay thỏ kiểng… thì nhiều bạn đã chơi rồi. Vẻ ngoài chông gai mà nhút nhát của nhím cảnh vẫn làm cho mình thích thú hơn cả”, Thanh (quận Gò Vấp, TPHCM) nói.

Thanh đã nuôi loại thú này hơn một năm. Thỉnh thoảng bạn vẫn đảo ra các cửa hàng, vào các trại nuôi để tìm nhưng con có màu lông nổi trội. Thanh mô tả hình dáng nhím cảnh cũng giống như nhím thường nhưng cuốn hút bởi thân hình tròn trịa, mũm mĩm và màu sắc đa dạng.

Nguyễn Đăng Huy (người nuôi và kinh doanh nhím kiểng ở TP.HCM) cho biết: “Mình kinh doanh nhím vài năm nay. Thời gian trước, loài này không được chú ý lắm. Nhưng vài tháng trở lại đây, có rất nhiều bạn trẻ tìm đến hỏi mua nhím. Có ngày cao điểm, chỉ trong buổi sáng, mình bán được trên 50 con”.

Bỏ ít vốn nhưng thu lại bộn tiền nhờ vừa chơi vừa bán nhím cảnh - 2

Nhím sau khi thuần phục sẽ không xù lông khi người cầm trên tay.

Tuy hình dáng của loài nhím kiểng giống như loài nhím thường, với gai nhọn trên lưng nhưng nhím kiểng lại là một loài thuộc họ chuột chù. Nhím kiểng có cái miệng nhỏ, nhọn đặc trưng, chân ngắn và khá chậm chạp. Thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng. Tuy nhiên, nhím cũng thuộc loài ăn tạp và có thể ăn bất cứ thứ gì phù hợp.

Nhím cảnh có tuổi thọ trung bình từ 3-4 năm. Nhím cái mỗi năm có thể đẻ từ 3-4 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con hoặc nhiều thì từ 8-9 con non.

Bạn Hà My (Hà Đông, Hà Nội) kể: "Mới đầu thấy các bạn chơi nhím, mình cũng thấy hay hay nên mua một cặp về nuôi chơi thử. Sau 1 năm, mình đã có hơn chục đôi nhím màu khác nhau. Nuôi không hết nên mình đem rao bán trên mạng và được nhiều bạn quan tâm mua về nuôi".

Bỏ ít vốn nhưng thu lại bộn tiền nhờ vừa chơi vừa bán nhím cảnh - 3

Nhím có thể cắn người vì không muốn ôm ấp.

Nhím mẹ rất thính và khá dữ dằn khi mới sinh con. Vì thế, nhím con mới sinh còn yếu ớt thì không nên chạm vào, chỉ cần ngửi được hơi người trên mình nhím con có thể khiến nhím mẹ sợ hãi cắn chết nhím con. Đến khi nhím con đã đủ lớn thì mới bắt đầu chơi đùa và thường xuyên chăm sóc nhím, vuốt ve, dỗ dành nó.

Lông bụng dưới của nhím rất mềm, nên khi chơi với nhím hãy nhẹ nhàng luồn tay dưới bụng, để nhím ngửi thấy hơi tay mình rồi từ từ bắt lên. Nếu bắt ngay, nhím sẽ sợ hãi và xù gai lên khiến ta rất buốt tay.

Bỏ ít vốn nhưng thu lại bộn tiền nhờ vừa chơi vừa bán nhím cảnh - 4

Để có một chiếc lồng nuôi nhím thế này người nuôi phải chi từ 1-2 triệu đồng.

Dạo qua một số cửa hàng thú cưng ở Hà Nội, tại đây họ không chỉ bán nhím cảnh, mà còn trang bị cho nhím từ thức ăn, đồ chơi, lồng nuôi, nhà ngủ, miếng ngủ lạnh, lót chuồng đến dầu tắm, nước hoa, bát ăn, vitamin... Nếu sử dụng đầy đủ các loại dịch vụ này để nuôi nhím thì người nuôi phải chi phí từ 1 đến 2 triệu đồng. Đổi lại, sau 1 năm chịu khó chăm bẵm, người nuôi sẽ nhanh chóng có một đàn nhím mập mạp từ 20 đến 40 con.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lily (Gia đình & Xã hội)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN