Báo động thịt bẩn phát sinh từ... lò mổ

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Các cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Đây cũng chính là lý do thịt mất ATTP ngay trước khi đến tay người tiêu dùng.

Chăn nuôi sạch, tại sao vẫn ra… thịt bẩn?

Mới đây, báo cáo về kết quả công tác quản lý chất lượng ATTP, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, kết quả xét nghiệm hơn 1.000 các mẫu nước tiểu và mẫu thịt đều không phát hiện chất cấm. Tuy nhiên, thay vào đó lại nổi cộm tình hình vi phạm ATTP tại cơ sở chế biến giết mổ gia súc, gia cầm. Bằng chứng là kết quả kiểm tra chỉ tiêu vi sinh vật và tồn dư thuốc thú y trong thịt từ tháng 1 đến nay cho thấy, 240/619 lượt mẫu phân tích dương tính với salmonella (loại khuẩn gây ngộ độc, tiêu chảy), chiếm tỷ lệ 38,7%.

Báo động thịt bẩn phát sinh từ... lò mổ - 1

Các địa phương khó kiểm soát cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ - Ảnh: K.Linh

Đáng chú ý, thống kê từ các địa phương, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, ATTP và bảo vệ môi trường. Cụ thể, giết mổ lợn chết, lợn bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre; Tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để gian lận thương mại và gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tại Bình Dương,  Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang; Vứt xác động vật ra môi trường gây ô nhiễm và làm lây lan dịch bệnh động vật tại Hưng Yên, Cao Bằng…

Hà Nội vẫn bỏ ngỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ?

Nói về việc kiểm soát các cơ sở giết mổ, bà Nguyễn Thu Thủy Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh: “Từ trước tới nay, chế tài đều đã phân định rõ trách nhiệm kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thuộc về chính quyền cấp xã; chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm với tình hình ATTP trên địa bàn mình quản lý. Thế nhưng thử hỏi đã có vị lãnh đạo tỉnh nào bị phê bình vì chưa siết chặt ATTP hay chưa?”

Theo ThS. Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, khuẩn Samonella là “tác giả” của hàng trăm ca ngộ độc thực phẩm tập thể. Điển hình gần đây, vụ ngộ độc tập thể tại tiệc cưới ở Hoàng Su Phì, Hà Giang vào tháng 2 vừa qua, khiến gần 100 người phải nhập viện. Qua xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm và thực phẩm của các nạn nhân đã phát hiện thấy vi khuẩn Salmonella. Hoặc, đầu tháng 3 là vụ gần 40 người ở Đắk Lắk bị ngộ độc vì ăn bánh mỳ kẹp thịt có nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột E.coli và Salmonella... Theo ThS. Nguyễn Trung Cấp, có thể bản thân gia súc, gia cầm khi giết mổ không hề nhiễm khuẩn nhưng vì nước ở lò mổ không đảm bảo nên lại vô tình truyền khuẩn trong quá trình giết mổ.

Lấy ví dụ tại Hà Nội, nơi có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, nhưng hiện tại 4 cơ sở đã tạm ngừng hoạt động, chỉ còn cơ sở giết mổ, chế biến tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương ở huyện Thường Tín hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, toàn thành phố còn có 17 khu giết mổ gia súc bán công nghiệp, 4 khu giết mổ tập trung. Thực tế, các cơ sở này mới chỉ cung ứng được 45% nhu cầu thực phẩm giết mổ có kiểm soát ra thị trường, số còn lại do hơn 1.000 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Do phần lớn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn hoạt động nhỏ lẻ nên việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên. Đây chính là nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm ATTP. Theo đó, chỉ thị yêu cầu: Phải có biện pháp xử lý chất thải, nước thải trong quá trình vận chuyển, thu gom, tập kết, tắm lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ, chế biến thịt tại các cơ sở giết mổ động vật, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ, tập trung vào các tỉnh miền Bắc và các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật bị chết, bị bệnh làm thực phẩm; Chấn chỉnh ngay công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, ATTP; chủ động thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn; Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra các vụ việc, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu y, ATTP trên địa bàn quản lý…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN