VĐV Olympic 2016: Kẻ tỉ phú, người nghèo mạt rệp

Thứ Ba, ngày 16/08/2016 01:39 AM (GMT+7)
Chia sẻ

Olympic Rio 2016 quy tụ hơn 11 nghìn VĐV từ khắp nơi trên thế giới và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.

Sự kiện: Olympic Tokyo 2020

Olympic Rio 2016 quy tụ hơn 11 nghìn VĐV từ khắp nơi trên thế giới và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Không ít VĐV sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng ngược lại, nhiều người thậm chí chẳng có nổi một xu dính túi.

VĐV Olympic 2016: Kẻ tỉ phú, người nghèo mạt rệp - 1

Với 2 huy chương giành được tại Olympic, Hoàng Xuân Vinh đang được thưởng hơn 5 tỷ đồng tính tới thời điểm này

Hố sâu khoảng cách giàu nghèo

Olympic Rio 2016 có hơn 11 nghìn VĐV tới từ 206 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia tranh tài để chinh phục hơn 800 bộ huy chương. Có một câu hỏi rất nhiều người đang đi tìm đáp án là khoảng cách giàu nghèo ở Olympic ra sao? Nhìn chung, các VĐV tới từ châu Âu, Mỹ giàu hơn nhiều lần các VĐV châu Phi hay đoàn VĐV tị nạn. Theo tờ Gazettereview, Michael Phelps, VĐV đang sở hữu 5 tấm HCV Olympic Rio 2016 (23 HCV Olympic trong suốt sự nghiệp) có tổng tài sản lên tới gần 50 triệu USD. Số tiền này tới từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có tiền thưởng thành tích, tiền đóng quảng cáo và tiền tài trợ từ các thương hiệu lớn. Michael Phelps giàu vậy nhưng tài sản của anh chỉ bằng 1/3 của tay vợt Serena Williams. Nếu xét về thu nhập trung bình hàng năm, mức 12 triệu USD của Micheal Phelps thua xa ngôi sao bóng rổ đồng hương Kevin Durant và kém nhiều VĐV khác như Neymar (bóng đá), Novak Djokovic, Rafael Nadal (quần vợt)…

Trái ngược với những tỷ phú, Olympic Rio 2016 cũng có rất nhiều VĐV có hoàn cảnh khó khăn. Không nêu đích danh nhưng tờ Washington Post khẳng định một bộ phận không nhỏ các VĐV tới từ châu Phi thậm chí còn không đủ khả năng thanh toán hóa đơn điện nước. Ngay như ở Mỹ, không phải ai cũng giàu như Michael Phelps, Serena hay Kevin Durant. Rất nhiều VĐV dự Olympic đã phải tổ chức quyên góp tiền từ cộng đồng để lấy kinh phí, tập luyện, ăn ở, đi lại (Chính phủ Mỹ không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho VĐV tham dự các giải đấu thể thao). Khó khăn hơn cả phải kể đến đoàn VĐV tị nạn. Cả 10 thành viên đều đang tị nạn ở các quốc gia khác nhau và chẳng có nổi một xu dính túi.

So với mặt bằng chung của thể thao thế giới, VĐV Việt Nam tham dự Olympic Rio 2016 hầu hết đều nghèo. Ngoại trừ Tiến Minh nhờ có nhà tài trợ và khả năng tích lũy qua nhiều giải đấu nên có chút vốn liếng. Một vài VĐV từng đạt thành tích cao ở đấu trường khu vực như Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền không đến mức quá khó khăn. Còn lại, đa phần tuyển thủ Việt Nam đều chẳng dư giả gì, đặc biệt là ở những môn ít được quan tâm như vật. Ngay cả người hùng Hoàng Xuân Vinh cũng chỉ “đủ ăn” bởi hai vợ chồng đều nhận lương công chức và không có khoản thu nhập thêm ngoài tiền thưởng mỗi năm một, hai giải đấu.

Kẻ đổi đời nhờ huy chương, người khóc ròng

Olympic không chỉ là cơ hội tranh tài thể thao mà còn là cơ hội để các VĐV đổi đời. Nếu có thành tích tốt, VĐV sẽ nhận được những khoản tiền thưởng lớn. Theo quy định từ nhiều năm nay, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) sẽ thưởng cho VĐV giành HCV 25 nghìn USD, HCB nhận 15 nghìn USD còn HCĐ nhận 10 nghìn USD. Đây là con số mơ ước của rất nhiều VĐV. Cộng thêm các khoản thưởng của nhà nước, không ngoa khi cho rằng với nhiều VĐV, một tấm huy chương sẽ giúp họ đổi đời.

Đơn cử như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam. Chỉ tính sơ sơ số tiền thưởng từ ngành Thể thao và các doanh nghiệp, con số tiền thưởng hiện tại đã lên tới hơn 5 tỷ đồng. Theo tiết lộ của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân khác đang liên hệ để trao thưởng cho người hùng của Thể thao Việt Nam. Như vậy, con số tiền thưởng không chỉ dừng lại ở 5 tỷ.

Thế nhưng, trong hơn 11 nghìn VĐV, người về nhà cùng tấm huy chương chỉ là thiểu số. Đồng nghĩa rằng họ không có bất cứ khoản tiền thưởng nào khi Olympic Rio 2016 khép lại và nghèo vẫn hoàn nghèo. Chẳng nói đâu xa, các VĐV Việt Nam dự Olympic ở Brasil đều chỉ nhận mức hỗ trợ 15 USD/ngày. Ngoài Hoàng Xuân Vinh, tất cả đều khó đoạt huy chương và khi về nước cũng bỏ túi cùng lắm vài trăm USD coi như tiền công nếu không ăn tiêu gì. Tình trạng này diễn ra ở nhiều quốc gia khác chứ chẳng riêng Việt Nam.

Đứng trên góc nhìn khác, là dù bạn là ai, tỷ phú hay chẳng một xu dính túi, khi đã bước vào tranh tài tại Thế vận hội, giữa tất cả chẳng hề tồn tại bất cứ khoảng cách nào, đúng như khẩu hiệu của kỳ Olympic Rio 2016 - “Một thế giới”.

Chia sẻ
Theo Gia Hưng ([Tên nguồn])
sự kiện Olympic Tokyo 2020
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN