Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
-
Grigor Dimitrov
-
daniil-vs-jannik
Miami Open presented by Itau
Daniil Medvedev
-
Jannik Sinner
-
elena-vs-victoria
Miami Open presented by Itau
Elena Rybakina
2
Victoria Azarenka
1

Thể thao Việt Nam ở ASIAD: Không biết mình, biết người

Sự kiện: Asiad 2023

Kết thúc ASIAD 2014, thể thao Việt Nam (TTVN) chỉ giành được duy nhất 1 Huy chương Vàng (HCV), 10 HCB, 25 HCĐ, xếp thứ 21 toàn đoàn. Đây là một thất bại, vì trước khi sang Incheon (Hàn Quốc), mục tiêu tối thiểu mà lãnh đạo đoàn đề ra là phải có 2-3 HCV...

Bảo thủ, duy ý chí

Trao đổi với NTNN chiều 5.10, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT nêu quan điểm: “Rõ ràng, việc TTVN chỉ có 1 HCV là thất bại, không hoàn thành chỉ tiêu. Việc đặt ra chỉ tiêu là do chính lãnh đạo, HLV đặt ra chứ có ai ép chỉ tiêu cho TTVN đâu? Tại sao ngay từ đầu, chúng ta không biết rõ là giành HCV ASIAD luôn cực kỳ khó khăn, gian nan, mà phải tới khi bước vào thi đấu mới ngỡ ngàng?”.

Thể thao Việt Nam ở ASIAD: Không biết mình, biết người - 1

Mới được đầu tư đặc biệt trong gần 1 năm qua nên những gì kình ngư Ánh Viên giành được đã là tốt nhất, chưa thể tạo đột biến để đoạt HCV

Theo ông Minh, chính sự bảo thủ, duy ý chí, không đánh giá được chính xác năng lực của các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, châu lục đã khiến TTVN nhận trái đắng ở Hàn Quốc: “Đành rằng sự phát triển thể thao phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế. Nhưng cũng cần biết là trong điều kiện kinh tế khó khăn đến mấy vẫn có cách để đạt thành tích tốt nhất.

Theo tôi, TTVN đã không có chủ trương, đường lối đúng đắn trong thời gian qua. Đáng ra ngay sau ASIAD 2010, TTVN đã phải gấp rút đầu tư cho các vận động viên (VĐV) trọng điểm, thay vì cứ dàn trải lo cho SEA Games 2011, rồi 2013. Nhiều VĐV tốt nhất của TTVN mới được đầu tư chế độ đặc biệt trong gần 1 năm qua mà thôi. Thời gian đó là quá ngắn ngủi để tạo nên đột biến về chất, để giành HCV ASIAD”.

Ông Minh khẳng định với tư cách một chuyên gia thể dục dụng cụ, từ trước khi ASIAD 2014 diễn ra, ông đã tuyên bố thể dục dụng cụ không thể giành HCV ASIAD. Nhưng những người làm chuyên môn vẫn cố tin vào một “giấc mơ” chưa có thật.

Ông Minh kể: “Ở môn karatedo, khi Hoàng Ngân thi đấu chung kết biểu diễn quyền (kata) nữ, tôi nghe nói có lãnh đạo đoàn TTVN còn đánh giá võ sĩ trẻ người Nhật Bản Shimizu Kiyou ở “cửa dưới”. Nhưng vào thi đấu, thì ai cũng thấy rõ Shimizu có bài quyền thuyết phục hơn Hoàng Ngân.

Ở môn cử tạ, Thạch Kim Tuấn với tổng cử 294kg, phá kỷ lục châu Á và ASIAD ở nội dung cử giật (134kg) thì đã tưởng Kim Tuấn giỏi rồi. Nhưng Om Yunchol của Triều Tiên còn phá cả kỷ lục thế giới cử đẩy (170kg) và kỷ lục châu Á với tổng cử 298kg.

Ở môn bơi lội, Ánh Viên được huy chương đã là quý chứ nghĩ tới HCV thì còn phải nỗ lực thêm nhiều lắm. Môn bắn súng, ai cũng tin vào Hoàng Xuân Vinh nhưng thực tế là tâm lý, thành tích của anh đã ổn định đâu. Đó là chưa kể tới việc chủ nhà Hàn Quốc xuất hiện “thần đồng” 17 tuổi Kim Cheongyong, chúng ta có biết không?”.

Tiếp tục đầu tư trọng điểm

Là Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2014, ông Lâm Quang Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT bày tỏ: “Không thể nhìn vào 1 HCV để đánh giá hết toàn bộ sự phát triển của TTVN. Chúng ta phải nhìn vào sự phát triển của từng môn, lực lượng VĐV…

So với những năm trước, trong điều kiện kinh tế khó khăn, TTVN vẫn nhận được sự đầu tư không hề sụt giảm, thậm chí còn tăng một chút từ phía nhà nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL. Và đây là năm đầu tiên chúng ta chuyển hướng đầu tư cho 64 VĐV trọng điểm, thay vì dàn trải như trước đây. Đương nhiên, việc chuyển hướng cần có thời gian với sự tính toán kỹ lưỡng, đầu tư trọng điểm hơn nữa”.

Ông Thành cho rằng việc những VĐV trẻ của TTVN lần đầu tiên giành được huy chương ASIAD ở những môn Olympic như bơi, TDDC, boxing, đấu kiếm, xe đạp là tín hiệu đầy lạc quan, tạo nền tảng cho các kỳ ASIAD tiếp theo: “Thể thao không thể bi quan, thể thao phải luôn hướng về phía trước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ họp để đánh giá toàn diện hành trình thi đấu của TTVN tại ASIAD.

Quan trọng nhất, phải có kế hoạch “luyện Vàng”, sao cho những tấm HCĐ, HCB quý giá ở ASIAD 2014 sẽ biến thành “Vàng” ở các kỳ ASIAD sau, và thành những tấm huy chương ở Olympic.

Trước câu hỏi về sự đi xuống, thụt lùi ở các môn đã từng mang vinh quang về cho Tổ quốc ở các kỳ ASIAD như cầu mây (2 HCV, 1 HCB ASIAD 2006 đến ASIAD 2014 chỉ có 2 HCĐ), taekwondo (HCV ASIAD 1994, 1998 nhưng liên tiếp ở ASIAD 2002, 2006, 2010, 2014 không thể có HCV, thậm chí ở ASIAD năm nay chỉ có 2 HCĐ), karatedo (HCV ASIAD 2002, 2006, 2010 nhưng tới ASIAD 2014 chỉ có 1 HCB, 1 HCĐ), ông Thành trả lời ngắn gọn: “Sau khi Lưu Thị Thanh chia tay cầu mây, Hải Thảo bị chấn thương, cầu mây Việt Nam đã không có người thay thế. Còn môn karatedo, taekwondo thì đang trong quá trình trẻ hóa lực lượng, thay đổi cách làm”.

Ông Lâm Quang Thành cũng bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng sau ASIAD 2014, TTVN sẽ nhận được đóng góp nhiều hơn từ xã hội, các doanh nghiệp cùng với nhà nước giúp các VĐV có được sự đầu tư tốt hơn, khắc phục được những yếu kém, chưa thành công hiện nay của TTVN”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chính Minh (Danviet.vn)
Asiad 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN