Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
-
Grigor Dimitrov
-
elena-vs-victoria
Miami Open presented by Itau
Elena Rybakina
0
Victoria Azarenka
0
daniil-vs-jannik
Miami Open presented by Itau
Daniil Medvedev
-
Jannik Sinner
-

Pete Sampras: Huyền thoại bất tử (P1)

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Trước Roger Federer, Pete Sampras được coi là tay vợt vĩ đại nhất của lành banh nỉ.

Đón đọc loạt bài "Chân dung huyền thoại tennis" vào 11h thứ Năm hàng tuần.

Bây giờ điều đó không hề thay đổi. Roger Federer chắc chắn là huyền thoại nhưng Pete Sampras cũng là một huyền thoại không thể chối cãi, trong giai đoạn lịch sử mà Sampras đã thống trị quần vợt thế giới. Con số 14 Grand Slam của Sampras đã bị Federer vượt qua và có lẽ Rafael Nadal với chức vô địch US Open 2013, Grand Slam thứ 13 trong sự nghiệp, cũng sẽ cân bằng với Sampras trong một sớm một chiều. Nhưng với làng banh nỉ, Sampras vẫn là cái tên mang nhiều cảm xúc như một sự bất tử trên sân đấu!

“Tôi mong anh ấy trở lại thi đấu. Mọi người muốn nhìn thấy Sampras thi đấu trên sân.” Một huyền thoại khác là John McEnroe đã từng nói như vậy khi mời Sampras tham dự tour thi đấu mang tính chất biểu diễn của các nhà vô địch - Outback Champions Series. Khi ấy Sampras đã gần 36 tuổi và đã giải nghệ được 5 năm, nhưng người hâm mộ thì vẫn nhớ quay quắt những cú đánh mê hoặc của tay vợt người Mỹ.

Pete Sampras: Huyền thoại bất tử (P1) - 1

Tất cả vẫn luôn nhớ tới những cú đánh mê hoặc của Pete Sampras

Sinh ra ở Potomac, Maryland vào ngày 12/8/1971, là con thứ 4 của ông bà Sammy và Georgia Sampras. Mẹ Sampras là người di cư từ Sparta, Hy Lạp và cha Sampras sinh ra ở Mỹ mang dòng máu của người cha Hy Lạp và người mẹ Do Thái. Có lẽ vì thế mà gương mặt Sampras có nét Hy Lạp rõ nét với mái tóc xoăn khiến người ta liên tưởng tới những vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Cũng như những đồng nghiệp xuất chúng khác, tài năng quần vợt của Sampras bộc lộ từ rất sớm khi mới 3 tuổi. Một lần lục lọi trong tầng hầm ngôi nhà và phát hiện một cây vợt tennis cũ, Sampras đã gắn chặt với nó từ đó và những bài đánh bóng vào tường đã đi theo cậu bé hiếu động, người mà chẳng ai nghĩ rằng sau này sẽ trở thành một huyền thoại.

Năm lên 7 tuổi, Sampras theo gia đình tới Palos Verdes, California, nơi có khí hậu ấm áp giúp Sampras có nhiều thời gian để chơi quần vợt hơn. Và ở đó Sampras đã gặp thần tượng của mình, huyền thoại Rod Laver, tay vợt gần nhất trong kỷ nguyên Mở giành trọn 4 Grand Slam trong cùng mùa giải vào năm 1969. Laver đã phải bất ngờ khi tập luyện cùng Sampras khi mới 11 tuổi và cựu tay vợt người Australia phải thốt lên: “Sớm muộn gì cậu bé này cũng trở thành số 1 thế giới.” Nhưng Laver không phải là người đầu tiên cảm nhận được điều đó và người đã đưa Sampras tiệm cận với quần vợt thực sự là Peter Fischer.

Không phải là một huấn luyện viên hay tay vợt chuyên nghiệp, Fischer là bác sỹ nhi khoa và là người đam mê quần vợt. Ông đã dìu dắt Sampras tới khi cậu bé trở thành tay vợt 18 tuổi trưởng thành và chính Fischer là người đã định hướng cho Sampras chuyển cú trái hai tay trở thành một tay với mục tiêu chính là chinh phục Wimbledon, giải Grand Slam vẫn đang ghi tên Sampras với kỷ lục 7 lần vô địch, mà bây giờ chỉ có hậu bối Federer làm được điều tương tự.

Sampras chơi chuyên nghiệp từ năm 1988, khi chưa đầy 17 tuổi. Bắt đầu từ vị trí thứ 893 đầu năm 1988 nhưng tới cuối năm, Sampras đã lọt vào tốp 100 thế giới với vị trí số 97. Trận chuyên nghiệp đầu tiên của Sampras là gặp tay vợt đồng hương Sammy Giammalva Jr. ở vòng 1 giải Philadelphia 1988 và thất bại (4-6, 3-6). Nhưng chỉ hơn một tuần sau, cả thế giới đã phải ngạc nhiên khi tay vợt vô danh Sampras nào đó đã hạ cả Ramesh Krishnan (Ấn Độ) hạng 37 thế giới (6-3, 3-6, 7-6) và Eliot Teltscher (Mỹ) hạng 25 thế giới (7-5, 6-3) tại hai vòng đầu tiên giải Indian Wells (bây giờ là Indian Wells Masters), trước khi để thua tay vợt số 18 thế giới người Tây Ban Nha Emilio Sanchez (5-7, 2-6) ở vòng 3.

Pete Sampras: Huyền thoại bất tử (P1) - 2

Pete Sampras giành chức vô địch US Open 1990 khi mới 19 tuổi

Dù vậy 6 tháng sau đó, người ta cũng quên đi cái tên Sampras khi chàng trai 17 tuổi chẳng thắng được bất kỳ tay vợt nào trong tốp 40, cho tới khi hạ Michiel Schapers của Hà Lan hạng 39 thế giới (7-5,7-6) tại vòng 1 giải Rye Brook ở New York, giải khởi động cho US Open 1988. Rồi cũng chỉ một tuần sau, Sampras rời US Open trong tư thế ngẩng cao đầu khi cống hiến một trận đấu kéo dài 5 set với tay vợt số 69 thế giới người Peru Jaime Yzaga (7-6, 7-6, 4-6, 5-7, 2-6) dù đã dẫn trước tới 2 set. Ai mà tin nổi, chỉ 2 năm sau tại US Open 1990, cái tên Pete Sampras đã trở thành tay vợt trẻ nhất trong lịch sử vô địch giải Grand Slam cuối cùng trong mùa giải khi mới 19 tuổi 28 ngày!

Tổng cộng Sampras đã có 14 năm thi đấu chuyên nghiệp cho tới năm 2002 và kết thúc trên đỉnh cao chói lọi với chức vô địch US Open 2002 khi đã 31 tuổi, bằng chiến thắng trước kỳ phùng địch thủ Andre Agassi, một trong những đối trọng với Sampras trong sự nghiệp lẫy lừng của mình. Sampras đã chinh phục được 14 Grand Slam cả thảy, bao gồm 2 danh hiệu Australian Open (1994, 1997), 7 danh hiệu Wimbledon (1993, 1994, 1995, 1997, 1998, 1999, 2000) và 5 danh hiệu US Open (1990, 1993, 1995, 1996, 2002). Điểm khuyết lớn nhất trong sự nghiệp của Sampras chính là chưa bao giờ đi tới trận chung kết Roland Garros.

Mặt sân đất nện vẫn là nơi “giết chết” lối chơi “serve & volley” (giao bóng & lên lưới) của Sampras. Thành tích tốt nhất trên sân đất nện của Sampras là tới bán kết Roland Garros 1996 và có 3 danh hiệu trên sân đất nện ở Kitzbuhel, Áo năm 1992, Rome năm 1994 và Atlanta năm 1998. Nhưng nơi mà Sampras thăng hoa nhất vẫn là mặt sân cỏ Wimbledon, với lối chơi “serve & volley” đã trở thành huyền thoại bất tử.

Đón đọc phần tiếp theo của chân dung huyền thoại Pete Sampras, cùng vũ khí “serve & volley” kinh điển vào 11h thứ Năm 26/9.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3 4 514Kỳ mới nhất

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Chân dung huyền thoại tennis Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN