Trận đấu nổi bật

carlos-vs-grigor
Miami Open presented by Itau
Carlos Alcaraz
0
Grigor Dimitrov
2
daniil-vs-jannik
Miami Open presented by Itau
Daniil Medvedev
-
Jannik Sinner
-
elena-vs-victoria
Miami Open presented by Itau
Elena Rybakina
2
Victoria Azarenka
1

Nadal tự thua Wimbledon: Bi kịch và sự thất vọng bí hiểm

Những gì xảy ra trước Muller có lẽ là một trong những thất bại đau đớn nhất trong sự nghiệp của Nadal.

Video Nadal thua sốc trước Gilles Muller:

Mười năm trước, trong trận chung kết kinh điển của mọi thời đại, cũng ở Wimbledon trước một Federer là huyền thoại của mọi huyền thoại, với thể thức set 5 không có tiebreak, Nadal chỉ cần tới game thứ 16 là anh hạ được đối thủ trong cuộc chơi lúc đó đòi hỏi rõ ràng nhất cả thể lực lẫn trí lực.

Còn trước Muller, một người nay đã 34 tuổi và lần đầu tiên vào tới vòng 4 Wimbledon (nay đã tới tứ kết), Nadal chơi tới game thứ 28 của set 5 với thời gian dài hơn cả 4 set trước đó, tỉ số các set là 6-3 6-4 3-6 4-6 15-13.

Nadal tự thua Wimbledon: Bi kịch và sự thất vọng bí hiểm - 1

Nadal thua sau cuộc chiến marathon

Muller kết thúc trận đấu, làm nên cột mốc lịch sử của sự nghiệp riêng anh khi Nadal thực hiện cú thuận tay đi ra sau baseline ở thời điểm anh đối diện với match point thứ tư và thứ năm lúc đồng hồ chỉ 4 tiếng 48 phút 7 giây. Chính xác là set thứ 5 kéo dài khoảng 2 tiếng 15 phút.

Suốt hơn 2 tiếng ấy là sự chịu đựng khủng khiếp của Nadal, của chính anh chứ không hẳn là những người có mặt trực tiếp trên sân xem tennis mà gương mặt căng ra và chỉ thi thoảng bùng nổ qua những cú cứu bóng và thoát hiểm của tay vợt số 2 thế giới.

Set 5, Muller giao bóng trước, ở một trạng thái thể lực tốt hơn sau khi chứng kiến Nadal vùng lên và bung sức trong set 3 và 4 để gỡ hòa 2-2 sau 4 set.

Và áp lực được Muller tạo ra gần như liên tục dù cho cả hai đều có được 5 break points trong set này: Muller phát huy cú giao bóng tốt hơn, và thường kết thúc game đấu của mình chóng vánh hơn. Còn Nadal càng về cuối lại càng khởi đầu game cầm giao bóng với việc để cho đối phương dẫn hoặc là 0-30, hoặc là 0-15.

Cái cau mày của Nadal và sự thất vọng khủng khiếp

Không có con số thống kê về tỉ lệ thua game khi cầm giao bóng mà thua nhiều hơn trong 3 điểm đầu của Nadal, nhưng áp lực của nó là không thể phủ nhận.

Áp lực cần phải chính xác trong cú giao bóng tiếp theo rồi cả sau khi đối phương nếu trả giao bóng được nếu không muốn đối diện với break point.

Trạng thái ấy khiến cho Nadal hầu như không thể thoải mái khi cầm giao bóng trong tay và cứ mỗi lần giữ được game thành công và nối dài trận đấu thêm lại như từ “cõi chết” trở về mà lại biết chắc rằng lại có một “cửa tử” chờ mình phía trước.

Và các thống kê khác nếu có thì nó cũng chứng tỏ những áp lực ấy có thể làm Nadal sụp đổ, dù cho đây là một biểu tượng của ý chí, sự lì lợm: số lần Nadal bị dẫn 15-40, rồi sau đó thắng game chỉ là 44%.

Hoặc Nadal khi bị dẫn trước 2 set trong thể thức thi đấu 5 set thắng 3 cho tới trước khi đụng Muller chỉ là 3-17, mà lần gần nhất lội ngược dòng thành công là cũng tại Wimbledon cách nay 1 thập kỷ (thắng lại Youzhny).  

Áp lực mà Nadal tạo ra rồi nó làm cho đôi vai của mình nặng trĩu còn là ở việc anh đã nhìn thấy những cơ hội từ phía Muller khi tay vợt người Luxembourg thi thoảng không tạo nên những cú giao bóng uy lực.

Nadal rõ ràng đã đặt ra mục tiêu là phải bẻ game của Muller, khi đứng trước những điểm số 15-30 thì nó giống như cơ hội tốt nhất, thứ cơ hội mà bỏ lỡ dường như sẽ không thể xuất hiện một lần nữa.

Cụ thể là ở game thứ 19 của set 5, Nadal đã không thể trả giao bóng hai qua lưới, và ngôn ngữ cơ thể với cái vung như muốn ném vợt, cái cau mặt như thể không bao giờ giãn được ra của Nadal cho thấy sự thất vọng khủng khiếp.

Với kinh nghiệm của mình, phải mất tới vài game sau đó thì Nadal mới hiểu rằng để sự ám ảnh ấy tiếp tục là nguy hiểm. Game thứ 25, Nadal trở lại vị trí với những bước chạy mạnh mẽ, những cái nhún chân lên rồi bật khẽ cao thay cho những bước chân quệt mũi giày bên phải xuống mặt cỏ. Nadal muốn nhập vai khác, thư giãn hơn và nhiều năng lượng hơn để tạo ra một ngã rẽ cho trận đấu.

Nhưng bất thành. Một là vì Muller đã chơi rất hay trên mọi phương diện. Hai là vì Nadal đã sai lầm trong toàn bộ trận đấu và gần như không có dấu hiệu điều chỉnh trong một buổi chiều trên sân số 1 không có Carlos Moya ngồi bên ông chú Toni Nadal như ở Roland Garros.  

Nadal tự thua Wimbledon: Bi kịch và sự thất vọng bí hiểm - 2

Nadal thua là 1 cú sốc lớn ở Wimbledon năm nay

Một sự thất vọng bí hiểm

Trái ngược với Nadal bị động và luôn tìm cách đối phó, dù là lần thứ hai ở giải đấu với một người thuận tay trái như mình, Muller lại rất chủ động chơi theo cách của mình, dù là lần đầu gặp người tay chiêu.

Sự chủ động của Muller thể hiện ở cú serve: anh không cần phải thay đổi gì mà tuần tự thực hiện cú serve ở ô lẻ (ad court) ra mang, và vào góc chữ T ở ô chăn (deuce court). Bóng cứ sau khi chạm mặt sân lại tạo ra đường cong càng đi thì càng xa vị trí Nadal đứng chờ trả giao bóng. Thi thoảng Muller mới đổi góc giao bóng.

Nhưng Nadal đã không và có lẽ là không thể đứng ôm sân hơn để làm ngắn quỹ đạo của trái banh nỉ. Việc trả giao bóng bằng trái hai tay hay thuận tay quen thuộc đã không được bổ sung bằng những cú trả giao cắt bóng.

Nên nhớ là Muller serve 1 có tốc độ trung bình là 116 dặm/giờ - cũng chỉ ngang bằng với Nadal giống như các chỉ số khác về tốc độ nhanh nhất của bóng 1 hay trung bình của bóng 2 (thống kê của Wimbledon).

Sự chủ động của Muller sau khi trả giao bóng hoặc serve là luôn đứng ôm sân, mở vợt ngắn, đánh bóng nhú và buộc Nadal di chuyển vất vả.

Nadal đánh bóng ngắn hơn thường lệ, và có lẽ đã trải qua một trong những trận đấu tệ nhất về kỹ năng bắn lưới (passing shot): Cả trận tỉ lệ ăn điểm và không ăn điểm là 14-14, và riêng set 5 là 8-8.

Và Muller còn chủ động ở việc hóa giải những cú giao bóng sở trường của Nadal. Nadal cố gắng tạo ra sự đa dạng, và thực tế đã giao bóng khá tốt xuyên suốt trận đấu (23 ace so với 30 ace của Muller), nhưng khi Nadal giao bóng hai  ở thời điểm quyết định bằng các cú body serve, Muller đều kê vợt thành công, điều mà Djokovic hay Federer nhiều lúc không thể.

Rõ ràng sự chuẩn bị của Nadal cho trận đấu với Muller không phải là hoàn hảo về mặt chiến thuật và tâm lý. Nó không có sự biến chuyển linh hoạt trước các hoàn cảnh của trận đấu có những bước ngoặt.

Nhất là khi nó diễn ra trái ngược với ba vòng đấu trước đó của chính Nadal với rất nhiều sự linh hoạt, điều chỉnh và trạng thái tâm lý tự tin.

Lẽ thường, khi gặp các chuyên giao giao bóng, việc cần làm và Nadal đã làm là không quá thất vọng trong mọi game đối phương cầm giao bóng, mà phải giữ được game của mình rồi chờ đối phương mất đi sự chính xác ở thời điểm nào đó.

Chính cách ấy đã giúp Nadal có hiệu số đối đầu với những chuyên gia giao bóng như Karlovic là 5-0, với Isner là 6-0 dù mọi trận đấu đều có khó khăn, có nhiều loạt tiebreak và không có tỉ lệ chuyển hóa break pts cao từ phía Nadal.

Tức là Nadal đã tự thua ngay từ đầu, và không phải là riêng anh mà của cả một ê kíp không có Carlos Moya mà chưa thấy một lời giải thích.

Giá trị của Big 4 ở Wimbledon giờ trông đợi ở 3 tay vợt còn lại, trong đó nội bật là Federer, người cho thấy càng đứng trước thử thách lớn thì càng chơi hay. 

Trước vòng 4, Nadal được HLV Ivan Lendl đánh giá cao nhất trong số Big 4 khi so sánh với Murray bị ảnh hưởng từ chấn thương, Federer mất nhịp do nghỉ thi đấu và Djokovic đang tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng. Sự đánh giá này cho thấy việc Nadal nói rõ sự thất vọng sau thất bại trước Muller là không phải ngẫu nhiên. 

Nadal bị loại khỏi Wimbledon 2017
Bạn nhận định thế nào về thất bại của Nadal trước Muller ở vòng 4 Wimbledon 2017?

Thua sốc Wimbledon: Nadal đau đầu, thề tái xuất thành công

Nadal dù đau đầu sau thất bại trước Muller nhưng vẫn tin sẽ trở lại tốt ở Wimbledon.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Tấn ([Tên nguồn])
Wimbledon 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN