Trung Quốc khiến châu Á gia tăng chạy đua vũ trang

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Một nghiên cứu gần đây cho thấy cuộc đua năng lượng và vũ khí cũng như tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc không hề giảm bất chấp khủng hoảng kinh tế.

Trung Quốc khiến châu Á gia tăng chạy đua vũ trang - 1

Tên lửa Trung Quốc đặt trái phép tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho thấy trong số 10 quốc gia luân chuyển nhiều vũ khí nhất 5 năm qua thì có 6 nước thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu thiết bị ngoại lớn nhất, tiếp theo là Saudi và Trung Quốc.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho dù sức mua phụ thuộc vào nền kinh tế, các quốc gia tại Châu Á - Thái Bình Dương không hề cắt giảm ngân sách quân sự, kể cả khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, từ việc giá hàng hóa giảm cho tới tăng trưởng thấp, ví dụ như Trung Quốc. "Các thay đổi nhỏ của kinh tế không hề ảnh hưởng tới hoạt động quân sự trong khu vực vào năm 2015" báo cáo viết.

Theo đó, các nước công bố kế hoạch dành ngân sách cho phát triển quân sự trong năm qua bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia.

Trung Quốc khiến châu Á gia tăng chạy đua vũ trang - 2
Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm

Cụ thể hơn, sản lượng kinh tế thấp đã nâng mức chi tiêu cho quân sự lên 1,48%, tính theo GDP. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2010. Đứng đầu trong đó là Trung Quốc, chiếm tới 41% kinh phí quân đội trong khu vực, tiếp theo là Ấn Độ với 13,5% và Nhật Bản là 11,5%.

Tuần qua, các nhà sản xuất vũ khí phương Tây đã mở hội chợ tại Singapore để quảng bá những thiết bị tối tân nhất nhắm tới khách hàng là các chính phủ trong khu vực.

Tại đây, hãng sản xuất thiết bị quốc phòng Thụy Điển Saab AB đã công bố hai máy bay trinh sát biển dựa trên nguyên mẫu máy bay thương mại Bombardier Inc và động cơ phản lực, do nhu cầu ngày càng tăng về giám sát hàng hải trong khu vực. Joakim Mevius, phụ trách mảng máy bay tuần tra của Saab cho biết "Chúng tôi thấy tiềm năng đáng kể tại châu Á- Thái Bình Dương vào lúc này".

Cơ quan nghiên cứu quân sự IHS Jane dự báo chi tiêu quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt khoảng 533 tỷ USD vào năm 2020, so với 435 tỷ USD vào năm ngoái. Một trong những động cơ chính được coi là các động thái gây lo ngại của Trung Quốc như xây dựng đảo trái phép ở Biển Đông. Mới đây nhất, việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa trái phép tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc khiến châu Á gia tăng chạy đua vũ trang - 3
Máy bay tuần tra của Saab AB (Thụy Điển), có tiềm năng tiêu thụ tại châu Á - Thái Bình Dương

Nhà phân tích Craig Caffrey từ IHS Jane nhận định rằng với mức tăng trưởng 43% trong 5 năm qua, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ cắt giảm chi tiêu quân sự trong tương lai. Dự kiến ngân sách quốc phòng Trung Quốc từ 191 tỷ USD vào năm 2015 sẽ tăng lên 225 tỷ USD vào 2020.

Việc chi tiêu quân sự gia tăng trong thời gian gần đây không chỉ khiến Trung Quốc thành nhà nhập khẩu, mà còn là nhà xuất khẩu lớn trong nỗ lực cải thiện chất lượng vũ khí trong nước để cân bằng cán cân thương mại. Trước kia Trung Quốc chỉ xuất khẩu các thiết bị chất lượng thấp, nhưng tới giờ đã bán các phương tiện như máy bay không người lái cho Nigeria và Iraq, ngoài ra còn tiếp thị máy bay phản lực chiến đấu JF-17 hợp tác với Pakistan ra thị trường quốc tế.

Thống kê của SIPRI cho thấy trong giai đoạn 2011-2015, Trung Quốc là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3, chiếm 5,9% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Như vậy còn kém xa các nước hàng đầu như Mỹ với 33% thị trường toàn cầu, Nga ở 25%, nhưng Bắc Kinh đã hất cẳng Pháp, Đức và Anh, ba nước đều có lý lịch "khủng" trong việc bán vũ khí ở nước ngoài.

Wezeman cho rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể xuống hạng trong danh sách này do đang dần có khả năng tự cung tự cấp. Hiện nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu đối với các mặt hàng tinh xảo như động cơ phản lực, chiếm tới 30% ngân sách nhập khẩu vũ khí, theo ước tính của SIPRI.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mẫn Di - Wall Street Journal ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN