Nước cờ đằng sau vụ thử “bom nhiệt hạch” của Triều Tiên

Tuyên bố của Triều Tiên về việc thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch đã khiến cả thế giới sửng sốt. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy tuyên bố này của Triều Tiên nằm trong loạt kế hoạch được tính toán sẵn từ trước.

Tháng 12.2015, lãnh tụ Kim Jong-un tới Bảo tàng cách mạng Phyongchon và tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch – loại vũ khí uy lực mạnh nhất hiện nay. Thế giới lúc đó không chú ý nhiều tới phát biểu của ông Kim.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã khiến cả thế giới bàng hoàng sau vụ "thử bom nhiệt hạch" ở bãi thử Punggye-ri thành công hôm 6.1. Vụ thử nghiệm hạt nhân gây ra động đất mạnh 5,1 độ Richter.

Nước cờ đằng sau vụ thử “bom nhiệt hạch” của Triều Tiên - 1

Lãnh tụ tối cao Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch hồi tháng 12.2015.

Thế giới vẫn đang đau đầu với hệ quả kéo theo sau vụ thử hạt nhân, tuy nhiên tính xác tín của bom nhiệt hạch mà Triều Tiên sở hữu vẫn chưa được kiểm chứng. Dù sự thật là gì thì một điều rất hiển nhiên rằng Triều Tiên tính toán rất kĩ chương trình nghị sự chính trị của mình.

Thông điệp năm mới 2016 của lãnh tụ Kim Jong-un chưa được tiết lộ nhiều nhưng chắc chắn sẽ nhằm củng cố kế hoạch chính trị đã định. Trong số những lời kêu gọi phát triển công nghiệp luyện kim, sản xuất điện và đảm bảo Triều Tiên “thụ hưởng nền văn minh chất lượng nhất”, mục tiêu quân sự vẫn được đặt lên hàng đầu.

Tuyên bố của lãnh tụ Kim Jong-un dịp năm mới phù hợp với những gì mà ông từng ám chỉ khi kêu gọi nền công nghiệp quốc phòng Triều Tiên cần “đứng vững vàng trên đôi chân khoa học” và “phát triển những biện pháp phản công hiệu quả phù hợp điều kiện trong nước”.

Tuy nhiên, thông điệp năm mới 2016 khẳng định năm nay mang tính quyết định vì Đại hội Đảng Lao động cầm quyền lần thứ 7 sẽ diễn ra. Điều này giải thích phần nào lí do vì sao vụ thử hạt nhân được thực hiện hôm 6.1.

Kì đại hội lần thứ 6 đã diễn ra năm 1980. Lần này, Đảng Lao động hy vọng sẽ tìm kiếm những giải pháp đối phó với hàng loạt kế hoạch kinh tế tập trung không hiệu quả kéo dài.

Kim Jong-un, chủ tịch Đảng Lao động, hy vọng Đại hội lần thứ 7 sẽ giúp đất nước đạt vị thế cao hơn – thay vì chỉ tìm cách khoa trương sức mạnh mà không giải quyết những điểm yếu tồn tại từ quá khứ.

Nước cờ đằng sau vụ thử “bom nhiệt hạch” của Triều Tiên - 2

Bom nhiệt hạch có sức công phá gấp 2.000 lần quả bom thả xuống Nagasaki và Hiroshima (Nhật) năm 1945.

Cũng tương tự như lễ kỉ niệm 70 năm giải phóng bán đảo Triều Tiên khỏi ách đô hộ của Nhật, toàn bộ năm 2015 chương trình nghị sự cũng được xây dựng dựa trên ngày lễ trọng đại đó. Năm nay, Đại hội Đảng Lao động diễn ra vào tháng 5 sẽ là trọng tâm quan trọng nhất cho Bình Nhưỡng. Tuyên bố về vụ thử bom nhiệt hạch, dù đúng hay sai, đều “vừa khít” với kế hoạch chính trị sắp ra mắt.

Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã gây ra cú sốc địa chính trị trong khu vực.  Triều Tiên sau lần thử bom nhiệt hạch chắc chắn sẽ bị cô lập nhiều hơn. Một phần Bình Nhưỡng có lẽ muốn “mặc cả” với chính quyền Obama nhằm tìm một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, giống trường hợp Iran và Cuba áp dụng rất thành công trước đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - BI ([Tên nguồn])
Triều Tiên thử bom nhiệt hạch Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN