Tổ chức khủng bố nguy hiểm hơn cả IS ở Đông Nam Á

Trái với lo ngại về IS mở rộng mạng lưới, tổ chức khủng bố JI tồn tại lâu đời ở ở Đông Nam Á mới là mối nguy thực sự với khu vực vốn đầy bất ổn này.

Tổ chức khủng bố nguy hiểm hơn cả IS ở Đông Nam Á - 1

Trong khi tổ chức khủng bố IS thu hút sự chú ý của báo chí phương Tây ở Iraq, Syria và mối đe dọa mở rộng chân rết IS ở Đông Nam Á, có một thế lực khác khiến khu vực này phải dè chừng. Nhóm khủng bố Jemaah Islamiah (JI) đã tồn tại ở Đông Nam Á hàng thập kỷ nay và nguy hiểm hơn nhiều chân rết của tổ chức IS hiện tại.

Quan điểm trên được giáo sư Joseph Liow, chủ tịch Ban nghiên cứu Đông Nam Á trực thuộc Viện Brookings đưa ra ngày 27.4. Ông là một trong 4 thành viên điều trần trước Ủy ban Thượng viện về An ninh nội địa Mỹ liên quan tới mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Tiến sĩ Liow cho biết dù sự xuất hiện của các tổ chức liên quan hoặc thề trung thành với IS ngày càng tăng, tuy nhiên chính quyền các nước trong khu vực Đông Nam Á phải cẩn trọng với mối nguy hiểm thực sự từ nội tại: “Có rất nhiều tổ chức khủng bố hoạt động ở Đông Nam Á sử dụng bạo lực chính trị để đạt mục đích của mình. Nhiều nhóm đối chọi với nhau và không hề vui trước  sự xuất hiện của IS”.

Tiến sĩ Liow tin rằng mối lo ngại tiềm tàng về lâu dài sẽ là tổ chức JI chứ không phải IS. Liow cũng là trưởng khoa quốc tế thuộc Học viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam khẳng định JI thường lên tiếng chỉ trích bất kì khi nào IS có động thái ở Đông Nam Á. Ông dẫn ví dụ của nghi can khủng bố Abu Tholut đang chịu án 8 năm tù tại Trung Java, Indonesia : “JI thường cung cấp chiến lược khủng bố cho người dân. Khi họ có được bản hướng dẫn, họ dễ dàng lún sâu trở thành kẻ tiếp tay cho khủng bố mà không hay”.

Ông John Watt, thành viên cao cấp Hội đồng Đại Tây Dương nói: “Dù IS bị tiêu diệt, Al-Qaeda bị tiêu diệt thì mối nguy hiểm của khủng bố ở Đông Nam Á cũng không bớt đi chút nào vì những tổ chức như JI, đặc biệt khi bất ổn chính trị khu vực thường xuyên xảy ra”.

Tiến sĩ Liow khẳng định mối lo nhất hiện nay nằm ở quần đảo Sulu thuộc Philippines. Ông nhấn mạnh năng lực của chính quyền sở tại không đủ khiến vấn đề chính trị ở đây ngày một leo thang. Tiến sĩ Liow cũng kêu gọi hợp tác quốc tế sâu rộng hơn nữa chứ không đơn thuần là việc chia sẻ thông tin: “Tôi đánh giá năng lực xử lý vấn đề của Philippines trong tương quan với các nước là rất kém. Dù có thông tin hay dữ liệu cũng không đồng nghĩa là chủ nghĩa khủng bố bị chặn đứng. Cần phải có những chiến dịch truy quét thực sự”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - IBT ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN