Người Na Uy muốn tặng... núi cho Phần Lan

Việc tặng núi sẽ kéo theo chỉnh sửa đường biên giới, nhưng nhiều người Na Uy rất sẵn lòng ủng hộ.

Người Na Uy muốn tặng... núi cho Phần Lan - 1

Phần Lan không sở hữu một ngọn núi đúng nghĩa nào.

Chiến dịch vận động tặng một ngọn núi cho quốc gia láng giềng Phần Lan nhân dịp kỉ niệm 100 năm Phần Lan lập quốc (2017) đang thu hút nhiều người Na Uy.

Người Phần Lan từ lâu đã cảm thấy rất buồn vì không có một ngọn núi đúng nghĩa nào. Đỉnh Halditcohkka thuộc núi Halti, cao 1.330m, nằm trong top 200 đỉnh núi cao nhất Na Uy nhưng ở Phần Lan nó hoàn toàn có thể độc chiếm ngôi vị đỉnh núi cao nhất.

Lời đề nghị tặng núi sẽ bao gồm việc chỉnh sửa địa giới một phần đất ở biên giới về phía bắc và phía đông so với ranh giới hiện tại.

Chiến dịch này trên Facebook đã thu hút được hơn 5.400 người thích.

 “Chúng ta có quá nhiều núi và dù sao đây cũng chỉ là một ngọn núi nhỏ”, Sondre Lund, một sinh viên Na Uy lập ra trang vận động cho biết. “Đây là một món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Tất cả các quốc gia ở vùng Bắc Âu có quan hệ hữu hảo”.

Lund quyết định mở chiến dịch vận động sau khi đọc được một lời đề nghị trước đây được Bjørn Geirr Harsson đưa ra. Là một cán bộ về hưu thuộc Sở bản đồ Na Uy, Harsson đã nghĩ ra ý tưởng này năm 1972 khi ông tiến hành đo đạc biên giới.

 “Tôi thực sự ngạc nhiên vì sao Phần Lan không có ngọn núi nào đúng nghĩa”, Harsson trả lời trên tờ The Local. “Tôi chắc chắn người Phần Lan sẽ rất vui nếu nhận được món quà nhỏ này”.

Phản ứng của người Phần Lan cũng rất tích cực. Anh Jiri Keronen chia sẻ: “Cảm ơn các bạn rất nhiều. Thật tốt nếu có thêm một ngọn núi. Na Uy là quốc gia tuyệt vời nhất. Chúng tôi yêu các bạn!”.

Người Na Uy muốn tặng... núi cho Phần Lan - 2

Vị trí đỉnh núi Halti hiện tại trên bản đồ.

Chủ nhiệm Sở bản đồ Na Uy, Cathrine Frøstrup cũng bày tỏ sự ủng hộ việc “quyên góp” một đỉnh núi quanh năm tuyết phủ.

“Tôi phải thừa nhận rằng đây là một ý tưởng tuyệt vời”, cô trả lời trên đài phát thanh NRK. “Đây là một món quà không thể quý giá hơn với một quốc gia không có một ngọn núi nào”.

Bộ Ngoại giao Na Uy vẫn chưa trả lời khi được CNN hỏi về phản ứng liên quan tới ý tưởng độc đáo này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - CNN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN