Iran khẳng định IS trà trộn vào hội nghị hòa bình Syria

Nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria, các nhóm đối lập đã họp mặt ở Riyadh (Ả Rập Saudi) nhằm đối thoại tìm giải pháp hòa bình với chính quyền Assad. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định nhiều nhóm là chân rết của tổ chức khủng bố IS.

Chủ tọa hội nghị ông Abdulaziz al-Sager thông báo rằng các phe cánh đối lập ở Syria sẽ gặp quan chức chính phủ vào đầu tháng 1.2016.

Bộ Ngoại giao Iran bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng một số nhóm đối lập chính là chân rết của tổ chức khủng bố IS.

Iran khẳng định IS trà trộn vào hội nghị hòa bình Syria - 1

“Một số nhóm khủng bố liên hệ với IS đã có mặt tại hội nghị hòa bình Riyadh…những nhóm khủng bố này không thể được trao quyền tự quyết tương lai của Syria”, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian tuyên bố.

Điều kiện ban đầu của cuộc họp mặt là lực lượng Mặt trận Al-Nusra thuộc Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS không được phép tham gia.

“Chúng tôi không đồng tình với hội nghị Riyadh lần này…nó không phù hợp với thỏa thuận Vienna đạt được hồi tháng 10”, ông Amir-Abdollahian nhấn mạnh. Thỏa thuận Vienna quy tụ nhiều lãnh đạo thế giới với đại diện từ Mỹ, Nga, Iran, Ả Rập Saudi cùng bàn thảo tìm giải pháp chấm dứt xung đột leo thang ở Syria suốt 4 năm qua. Các bên nhất trí không cho phép “IS và các tổ chức khủng bố khác liên kết với nhau để giành chính quyền ở Syria.

Trong khi thông tin cụ thể hội nghị Riyadh chưa được công bố, nhiều chuyên gia phỏng đoán các nhóm đối lập vẫn cương quyết loại bỏ chính quyền Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad.

Ngày hôm qua (10.12),  lực lượng Ahrar al-Sham đe dọa sẽ không tham gia hội nghị. Theo một thông báo đăng tải trên mạng xã hội, tổ chức này không hài lòng vì hội nghị thiếu sự tham gia của “những nhóm cách mạng”. Lực lượng này cũng phản đối trao quyền cho Cơ quan điều phối quốc gia vì dân chủ, một tổ chức được Ahrar al-Sham cho là quá thân cận với chính quyền Tổng thống Assad đương nhiệm.

Cuộc khủng hoảng ở Syria bắt đầu từ năm 2011. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 250.000 người đã bị giết và 12 triệu người phải rời bỏ quê hương.

Trong khi chính quyền các nước phương Tây ủng hộ nhóm đối lập, Moscow vẫn liên tục khẳng định sự nguy hiểm khi lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống Assad đương nhiệm. Cuộc khủng hoảng trong nước cộng thêm vùng giao tranh ác liệt với nước láng giềng Iraq đã khiến tổ chức khủng bố IS có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Minh - Sputnik ([Tên nguồn])
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN