Hóa thạch muỗi 46 triệu tuổi nguyên bụng máu

Các nhà nghiên cứu Mỹ vừa tìm thấy một hóa thạch muỗi cổ đại 46 triệu năm tuổi nhìn thấy rõ cả bụng máu.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ vừa phát hiện hóa thạch độc đáo của một con muỗi cái 46 triệu năm tuổi gần như nguyên vẹn với phần bụng còn căng mọng máu có thể nhìn thấy rất rõ ràng.

Nhóm nghiên cứu do giáo sư Dale Greenwalt thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ dẫn đầu đã phát hiện ra con muỗi chỉ dài hơn 2mm này mắc kẹt trong một lớp đá phiến dầu dưới một đáy hồ cổ đại ở tây bắc Montana. Họ nói rằng cơ hội để tìm thấy một sinh vật cổ xưa còn nguyên vẹn như thế này là gần như không tưởng.

Hóa thạch muỗi 46 triệu tuổi nguyên bụng máu - 1

Hóa thạch con muỗi gần như còn nguyên vẹn

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu nhận định: “Con muỗi này đã đốt một con vật nào đó và bị hất xuống mặt nước, rồi chìm xuống đáy hồ hoặc một cấu trúc tương tự và nhanh chóng bị các lớp trầm tích kị khí mịn bao phủ mà không ảnh hưởng đến phần bụng căng mọng máu của nó.”

Nhóm nghiên cứu của Greenwalt đã sử dụng phương pháp khối phổ (mass spectrometry) để phát hiện các phân tử sắt và porphyrin, các thành phần cơ bản tạo nên protein “heme” chịu trách nhiệm vận chuyển oxy trong các tế bào hồng cầu. Điều này chứng tỏ các phân tử sắt trong hóa thạch này đến từ bữa ăn cuối cùng của con muỗi chứ không phải do quá trình hóa thạch tạo ra.

Phương pháp khối phổ chỉ được áp dụng với các bề mặt phẳng và không thể dùng để phân tích các côn trùng bị mắc kẹt trong hổ phách, loại vật chất mà hầu hết các hóa thạch côn trùng được tìm thấy.

Loài muỗi cái hút máu này là một trong 36 loài muỗi cổ đại được phát hiện ở địa tầng Kishenehn, tầng hóa thạch gần sông Flathead dọc biên giới phía tây Công viên quốc gia Glacier ở Montana.

Giáo sư Greenwalt cho biết miếng đá phiến dầu có chứa con muỗi này là của một nhà sư tầm hiến tặng, và khi nhìn thấy nó, ông đã nhận ra rằng nó hoàn toàn khác biệt so với các mẫu vật khác.

Hóa thạch muỗi 46 triệu tuổi nguyên bụng máu - 2

Nhà nghiên cứu Dale Greenwalt và tấm đá phiến dầu chứa mẫu vật

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ADN không thể tồn tại quá 6,8 triệu năm nên các nhà nghiên cứu đã không thể trích xuất được bất cứ vật liệu di truyền nào từ con muỗi cổ đại này.

Giáo sư Greenwalt phỏng đoán rằng máu ở trong bụng con muỗi này có thể là của một con chim nào đó, vì con muỗi này trông rất giống với loài muỗi Culicidae hiện đại chuyên hút máu các loài chim, tuy nhiên ông nói rằng đó mới chỉ là giả thuyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo ScienceRecorder) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN