Xây dựng Quốc gia khởi nghiệp

“Khơi dậy niềm đam mê, khát vọng, đưa tinh thần khởi nghiệp quốc gia vào cộng đồng doanh nghiệp được dự kiến là một trong những mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ tới của Ðảng, Nhà nước và Chính phủ”, nhân dịp đầu xuân mới Bính Thân, Trưởng Ban kinh tế T.ư Vương Ðình Huệ đã trò chuyện với Tiền Phong chủ đề này.

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia

Ông Vương Ðình Huệ nói: Hiện nay ở nước ta mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký, chúng ta đang mong muốn cuối nhiệm kỳ tới đây 2020 có lên được 2.000.000 doanh nghiệp. Nhưng muốn có một số lượng doanh nghiệp như vậy, phải có chính sách, một trong số đó là chúng ta  phải làm cho khu vực FDI trong nước khá lên và thiết thực hơn.

Xây dựng Quốc gia khởi nghiệp - 1

Ông Vương Ðình Huệ.

Chúng tôi nghiên cứu xong đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam”, tới đây sẽ phối hợp với các báo để chuyền tải một số kết quả nghiên cứu của đề án này.

Ðiểm nữa, chúng ta phải thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp và có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Ðầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Phải có chính sách kết nối DN FDI

Quốc gia khởi nghiệp - các nền kinh tế phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore đều bắt đầu từ ý tưởng này. Nhưng quả là  nghe có vẻ lạ lẫm với Việt Nam, thưa ông?

Chúng tôi có một đề án riêng, tôi phải sang Israel, quốc gia khởi nghiệp để nghiên cứu vấn đề này. Nói một cách đơn giản: Phải có chính sách chọn FDI và chọn FDI phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Ðại sứ Nhật Bản bảo với tôi, Nhật Bản nhiều khi cũng thấy buồn, báo chí cứ đưa tin FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng suy giảm đi. Họ bảo nói thế không đúng vì họ đã sang thế hệ khác rồi, giờ đầu tư vào công nghệ cao rồi, không phải gia công lắp ráp nữa. Nếu Samsung đầu tư một phát mấy tỷ đô la thì có ngay. Nhật Bản thì không còn cái chuyện đấy nữa, họ đi vào công nghiệp nhỏ và họ đi vào khoa học công nghệ cao, vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng thì rất là cao. Như thế phù hợp với định hướng tái cơ cấu.

Thứ nữa, chúng ta phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Xây dựng được một triết lý của văn hóa của doanh nghiệp dân tộc. Ở đây, đừng có phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, Nhà nước hay tư nhân, đã là doanh nghiệp Việt Nam đó là của người Việt Nam. Một tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải thổi vào hồn các doanh nghiệp một cách trách nhiệm, tự hào, tin tưởng. Doanh nghiệp mình giỏi lắm chứ có phải không giỏi đâu.

Như ông đã nói thì kinh tế tư nhân là một động lực phát triển tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Vậy đến thời điểm này, liệu nó có trở thành động lực kinh tế không?

Nó đang là động lực còn chúng ta mong muốn nó thực sự là động lực lớn hơn. Tôi nói câu chuyện đơn giản này thôi.  Một sân khấu lớn chuẩn bị cho tổ chức Phật giáo Quốc tế ở Bái Ðính có 3.500 chỗ ngồi, doanh nghiệp tư nhân cả thiết kế, cả thi công có 2 tháng. Nếu chúng ta làm theo cung cách cũ thì 2 năm chưa xong mà còn cãi nhau.

Còn Vincom của anh Vượng ở Phú Quốc, ngoài đảo như vậy, từ khi đưa cả máy móc, phương tiện, vật tư từ đất liền ra, từ lúc nổ tiếng máy xúc, máy ủi đầu tiên cho đến khi khánh thành cái khu Vincom chỉ mất 11 tháng,  rõ ràng, doanh nghiệp ta giỏi lắm.

Tôi sang Israel mình ca ngợi họ rất thật lòng, nhưng có ông đại sứ của Israel ở mình khi ông kết thúc nhiệm kỳ ông ấy khóc như mưa vì ông yêu Việt Nam quá nhưng ông buộc phải về. Về một thời gian ông nhớ không chịu nổi ông ấy phải quay sang Việt Nam và rất mê người Việt mình.

Xây dựng Quốc gia khởi nghiệp - 2

Dây chuyền sản xuất linh kiện thiết bị điện tử tại công ty TNHH BluecomVina. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhưng để làm được những điều đó, cụ thể hơn, cần có sự gắn kết công phu và bài bản hơn với các đối tượng doanh nghiệp từ FDI tới doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Chúng ta phải có chính sách kết nối được FDI với doanh nghiệp trong nước chứ không phải suốt ngày kêu công nghiệp hỗ trợ làm mấy khu, mời gọi họ có vào đâu. Nếu biết kết nối, chỉ cần 5, 7 quỹ đầu tư mạo hiểm mỗi cái khoảng tỷ đô la thì nó sẽ sôi động lên ngay.

“Năm 2016, chúng ta phải hết sức chú trọng nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư thứ 2. Làn sóng đầu tư thứ nhất là khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư. Làn sóng đầu tư thứ 2 ở Việt Nam đó là với tinh thần quốc gia khởi nghiệp” 

Trưởng Ban kinh tế T.ư Vương Ðình Huệ

Về doanh nghiệp thành lập mới, xin thưa là  không bao giờ ngân hàng lại cấp vốn, vì sao? Vì mấy anh doanh nghiệp mới khởi nghiệp là năm ăn, năm thua, mười anh chết 7 còn 3, rủi ro ngân hàng là rủi ro có tính hệ thống. Cho nên tài trợ vốn kiểu này là ngân hàng người ta đứng ngoài, chỉ có quỹ đầu tư mạo hiểm người ta mới dám chấp nhận năm ăn năm thua. Quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ, quỹ đầu tư mạo hiểm của tư nhân, như Israel cứ có hai anh thành công thì có 4 anh mới bắt đầu khởi nghiệp thì mới phát triển được. Chúng ta phải có chính sách để kết nối hai khu vực này, kết nối FDI với doanh nghiệp trong nước bằng chính sách mới ra được vấn đề.

Ðiểm nữa là theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ 12 sắp tới đây, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo định nghĩa thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ và đồng bộ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa giữa Nhà nước và thị trường. Năm ngoái có một giáo sư nước ngoài nói với tôi rằng, Nhà nước và thị trường như hai mặt của một đồng xu.  Lần này chúng ta nói thị trường chủ yếu xoay quanh phân phối các nguồn lực và chúng ta phải kiên trì…

Thị trường hiện đại ở đây là gì, theo ông?

Là phải có thị trường cả về trình độ, cả về quy mô, cả về cơ cấu và cả về thể chế. Thể chế này phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tôi lấy ví dụ bây giờ chúng ta muốn xử lý nợ xấu cho thực chất thì phải có thị trường mua bán nợ. Muốn có thị trường mua bán nợ thì phải phát triển các định chế tài chính.

Tôi sang Israel họ bảo rằng, chúng tôi không 4 nhà như các ông đâu, chúng tôi 5 nhà cơ. Tôi hỏi nhà thứ 5 là nhà gì, họ bảo là nhà môi giới. Bên kia bao giờ một doanh nghiệp cũng có một nhà môi giới bên cạnh. Khi tôi gặp ông chủ tịch tập đoàn đăng ký gặp tôi, tự nhiên gặp ông chủ tịch tập đoàn thứ hai, tôi bảo “hai ông này ông nào mẹ, ông nào con” hay như thế nào? Ông bảo chả ông nào con, ông nào mẹ hết, ông này là nhà đầu tư cho Việt Nam còn tôi là người lập dự án đầu tư tại Việt Nam, tôi là nhà môi giới và nghề này ở Israel rất phát triển. Doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian đâu mà lập dự án đầu tư, việc này có các chuyên gia chuyên nghiệp họ làm.

Kỳ vọng vào tinh thần đổi mới

Câu hỏi đặt ra là tinh thần đổi mới này trong thời gian tới có tiếp tục được phát huy nhân rộng không, thưa ông?

Vấn đề đường lối, chính sách đã được đúc kết trong thực tiễn, được kết tinh trong văn kiện và Ðại hội Ðảng sẽ quyết định chuyện này. Bất cứ đội ngũ nào, dù là ai cũng phải thực hiện chính sách này. Tôi nghĩ 5 năm tới sẽ thực hiện tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta đã làm trong thời gian vừa rồi.

Vấn đề quan trọng là, khi quyết sách chúng ta đã có thì bất cứ người cán bộ nào trong nhiệm kỳ tới ở vị trí nào đi nữa cũng phải có trách nhiệm thực hiện với một tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN