World Bank: "Thay máu" ngân hàng không cứ muốn "nhanh là được"

Không chỉ riêng Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào khi trải qua quá trình tái cấu trúc ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước... cũng đều gặp trở ngại nếu thông tin thiếu minh bạch.

Nhận định này được ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế World Bank (WB) tại Việt Nam đưa ra tại lễ công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sáng 6/10.

Không tỏ ra bất ngờ khi 3 trụ cột tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam đang diễn ra khá chậm chạp, nhất là khu vực ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Sandeep Mahajan - chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam thừa nhận, không chỉ riêng Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào khi trải qua sự “chuyển mình” này đều cũng gặp trở ngại nếu thông tin thiếu minh bạch và không có đường lối rõ ràng.

World Bank: "Thay máu" ngân hàng không cứ muốn "nhanh là được" - 1

Chuyên gia WB nhấn mạnh, thông tin tài chính của các ngân hàng cần công khai, minh bạch hơn

Tái cấu trúc ngân hàng, hay tái cấu trúc DNNN không phải là quy trình dễ dàng. Quá trình này đòi hỏi một chính sách đồng bộ, một thị trường mạnh để DN có nhiều cơ hội “bán được hàng” khi đưa cổ phiếu ra thị trường.

Ngoài ra, một lực đẩy để “thúc” tái cấu trúc DNNN, nhưng với Việt Nam thì còn rất yếu và thiếu, đó là minh bạch thông tin tài chính “sức khỏe” của số các DNNN, hay ngân hàng nằm trong diện tái cấu trúc.

“Chính phủ cần cải thiện nhiều hơn về mặt chính sách, thông tin tài chính của các DN, ngân hàng cần sát thực tế và minh bạch hơn” – ông Sandeep nói.

Tại bản báo cáo về kinh tế công bố sáng 6/10, các chuyên gia kinh tế của WB cũng dự báo, tăng trưởng GDP cả năm 2014 của Việt Nam sẽ chỉ khoảng 5,4%. Dù đang có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, song tình hình sản xuất, cầu nội địa yếu đang là nhân tố kìm hãm tăng trưởng của Việt Nam. 

Nhấn mạnh dự báo này mới là “kịch bản cơ sở”, ông Sandeep Mahajan lạc quan, “còn 3 tháng nữa để thu thập và phân tích thêm dữ liệu, nhưng chắc chắn mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chỉ “nhích” hơn 5,4% chút ít”.

Như vậy, so với dự báo mà Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 thì dự báo về tốc độ tăng GDP của WB đưa ra thấp hơn khoảng 0,4 điểm phần trăm.

Đâu là nguyên nhân đang “kìm” sự tăng trưởng của Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, vị chuyên gia của WB thẳng thắn, đó là sức sản xuất nội địa đang quá yếu tớt. Tính tới hết quý 3/2014, dù giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có đang chậm lại, nhưng số vốn đăng ký không ngừng gia tăng, trong khi sản xuất nội địa vẫn đang rất “uể oải”.

Muốn cải thiện tốc độ tăng trưởng, chuyên gia kinh tế trưởng WB nhận định, Chính phủ phải cân nhắc ngay việc cải thiện dịch vụ thương mại, kho vận; quyết tâm đẩy nhanh và mạnh hơn tái cấu trúc DNNN, hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, Việt Nam phải giải quyết những yếu kém xuất phát từ chính sách tài khóa, cải cách cơ cấu nhằm tăng khả năng về xuất khẩu.

“Việt Nam đang có điều kiện phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu, vốn có vai trò làm động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu trong vòng 20 năm qua. Việt Nam nên chớp lấy thời cơ này” – ông nói.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trường Giang (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN