WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,2%

Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á nhưng Ngân hàng Thế giới đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 6,2% năm 2015 và 6,3% năm 2016.

Trong báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương công bố hôm nay (5.10), Ngân hàng thế giới (World Bank - WB) cho biết, kinh tế Trung Quốc năm 2015 dự kiến tăng trưởng 6,9%, thấp hơn so với 7,1% dự báo đưa ra hồi tháng 4. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 giảm xuống 6,7% và 6,5% năm 2017.

Tăng trưởng kinh tế các nước đang phát triển ở Đông Á dự đoán đạt 6,5% trong năm nay, thấp hơn so với 6,7% dự báo đưa ra hồi tháng 4. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ gây áp lực lên các nước xuất khẩu hàng hóa cũng như thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và ngành du lịch trong khu vực, WB cho biết.

WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,2% - 1

WB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan, trong khi nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,2% trong năm nay (trong khi mức dự báo cũ hồi tháng 4 là 6%). WB cũng dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2016 và 2017.

"Tăng trưởng khu vực Đông Á – Thái Bình Dương sẽ chậm lại do Trung Quốc đang cân đối lại nền kinh tế, và ảnh hưởng của tốc độ bình thường hóa lãi suất cơ bản tại Mỹ" - ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói. Nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại hơn nữa thì các nước trong khu vực, nhất là những nước có quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch với nước này sẽ bị tác động.

Báo cáo cũng cho rằng lãi suất tại Hoa Kỳ sẽ tăng dần trong vài tháng tới. Đây là khả năng đã dự đoán trước và sẽ diễn ra có trật tự nhưng dù sao vẫn tồn tại rủi ro rằng thị trường có thể sẽ phản ứng mạnh trước hành vi thắt chặt này làm cho các đồng tiền mất giá, lãi trái phiếu tăng, dòng vốn vào các nước bị suy giảm và mức thanh khoản cũng bị thắt chặt.

Theo WB, việc phá giá tiền tệ có thể gây áp lực lên bảng cân đối và những rủi ro này đang là mối lo ngại tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN