Vì sao xây “cao ốc nghĩa trang” giữa lòng Hà Nội?

Trong tương lai, Dự án Trung tâm thương mại - Dịch vụ Hạ Đình sẽ trở thành nơi kinh doanh mặt hàng phong thủy, tượng Phật, thờ cúng, vàng mã… Đặc biệt, hai khối tháp 13 tầng là khu vực dịch vụ lưu giữ các lọ tro sau hỏa táng và cốt sau cải táng.

Vì sao xây “cao ốc nghĩa trang” giữa lòng Hà Nội? - 1

Phối cảnh “cao ốc nghĩa trang” của Công ty Miền Núi. Ảnh: T.L

1 trong 2 nhà thầu… đi đâu?

Những ngày đầu tháng 8, người dân phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội) phát hoảng khi hay tin, dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ Hạ Đình đã được cơ quan chức năng chấp thuận cho chuyển đổi, bổ sung thành nơi kinh doanh dịch vụ tâm linh.

Hơn 100 hộ dân đang sinh sống trên vị trí quy hoạch dự án “đứng ngồi không yên” khi nhận được quyết định thu hồi đất, những hộ dân khác thì hoang mang khi nghĩ đến viễn cảnh sẽ ở cạnh “cao ốc nghĩa trang”. Đỉnh điểm của sự việc khi hàng trăm người dân xã Tân Triều đã đến trụ sở UBND huyện Thanh Trì đề nghị làm rõ thông tin về dự án.

Theo tìm hiểu của PV Báo GĐ&XH, năm 2009, UBND quận Thanh Xuân quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn làm Trung tâm Thương mại dịch vụ Hạ Đình. Có vị trí “đất vàng” nằm trên mặt đường Nguyễn Xiển, chủ đầu tư dự kiến xây dựng 2 cao ốc kết hợp trung tâm thương mại và dạy nghề.

Dự án nằm trên phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và xã Tân Triều (huyện Thanh Trì), trúng thầu là liên danh Tổng Cty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty TNHH TM Hỗ trợ kiến thiết Miền Núi (sau đây viết tắt là Công ty Miền Núi). Khi trúng thầu, nhà đầu tư phải hỗ trợ ngân sách thành phố Hà Nội 2 tỷ đồng. Điều đáng nói, sau khi hoàn thành “nhiệm vụ đấu thầu”, PVC gần như “biến mất” khỏi dự án(?!). Các văn bản liên quan dự án đều đứng tên Công ty Miền Núi.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau 6 năm, chủ đầu tư vẫn không thể triển khai dự án mặc dù đây là “mảnh đất vàng” về vị thế kinh doanh? Bất ngờ hơn, đến năm 2015, Công ty Miền Núi có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xin chuyển đổi dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình thành Trung tâm thương mại dịch vụ văn hóa tâm linh. Theo đề án này thì Công ty Miền Núi đề xuất TP Hà Nội cho phép xây dựng 2 tòa cao ốc phục vụ cho thuê chỗ lưu giữ lọ tro cốt sau hỏa táng, cung cấp các mặt hàng tâm linh như đồ thờ cúng, phong thủy, vàng mã, đồ tượng Phật tại chính vị trí đất lập dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình.

Lãnh đạo địa phương cũng… bất ngờ

Vì sao xây “cao ốc nghĩa trang” giữa lòng Hà Nội? - 2

Để xây dựng 2 tòa nhà “cao ốc nghĩa trang”, UBND quận Thanh Xuân và UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) cần giải phóng mặt bằng trên 15.000 m2. Ảnh: Cao Tuân

Qua ghi nhận thực tế của PV, các hộ dân có nhà đất nằm trong diện bị thu hồi cho dự án bày tỏ sự bất bình khi biết thông tin sắp có “nghĩa trang tro cốt” tại đây. Về nguồn gốc nơi đây là đất nông nghiệp. Sau khi nhà nước thu hồi phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân để làm đường vành đai 3 của thành phố, diện tích còn lại do không còn phù hợp sản xuất nông nghiệp, người dân đã tự xây nhà và hình thành nên tổ dân nằm trong ngõ 307 đường Nguyễn Xiển hiện nay.

Ông Nguyễn Gia Dũng (50 tuổi), một người dân có nhà trên đường Nguyễn Xiển bức xúc: “Ngày 5/7 vừa qua, tôi nhận được Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nhà ở của UBND xã Tân Triều gửi. Trước đó, ngày 23/6, khi tiến hành họp bàn dân thì UBND xã chưa trả lời thích đáng cho những câu hỏi của người dân. Đây cũng là chỗ sinh nhai chính của gia đình, nếu xã lấy đất đi thì gia đình chưa biết xoay xở cuộc sống sau đó thế nào. Sao lại đẩy người sống ra đường làm nhà cho người chết giữa nội thành vậy?”.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Tổng diện tích thu hồi đất trên địa bàn xã Tân Triều cho dự án đấu thầu của Công ty Miền Núi là 4.321,9m2. Địa phương đang lên phương án giải phóng mặt bằng cho dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ Hạ Đình, còn về việc xây dựng “cao ốc nghĩa trang” hay dịch vụ tâm linh thì chúng tôi không biết(?!)”.

Những tưởng đề xuất trên sẽ bị bác bỏ, thế nhưng theo văn bản chúng tôi nắm được, ngày 01/9/2015, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 6010 gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP là đã đồng ý về mặt nguyên tắc đối với đề xuất của Công ty Miền Núi và yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc hướng dẫn công ty này làm thủ tục.

Bỏ trung tâm dạy nghề để xây nơi lưu giữ tro cốt

Vì sao xây “cao ốc nghĩa trang” giữa lòng Hà Nội? - 3

Nhiều hộ dân ngõ 307 đường Nguyễn Xiển đang sinh sống trên khu đất thuộc dự án “cao ốc nghĩa trang”.

Theo đó, công trình được thiết kế với các chức năng bao gồm: 2 tầng hầm là khu vực để xe và kỹ thuật; khối đế 5 tầng: Bố trí các chức năng trung tâm thương mại, kinh doanh mặt hàng phong thủy, tượng phật, thờ cúng, vàng mã…; 2 khối tháp 13 tầng là khu vực dịch vụ lưu giữ các lọ tro sau hỏa táng và cốt sau cải táng, dự kiến bố trí khoảng 130.000 ô đựng tro, cốt. Như vậy ở dự án này, không còn thấy trung tâm dạy nghề như dự kiến ban đầu.

Theo tìm hiểu của PV, dù vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân, UBND quận Thanh Xuân và huyện Thanh Trì vẫn lên phương án giải phóng mặt bằng. Căn cứ để cho các cơ quan này thu hồi đất của người dân là văn bản 8467/UBND-TNMT ngày 31/10/2014 của UBND TP Hà Nội.

Tuy nhiên, nội dung văn bản thể hiện rõ: “Việc tiếp tục thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 99 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thi hành một số nội dung Luật Đất đai 2013”. Tức là, thành phố cho phép “thu hồi đất” nhưng phải căn cứ theo luật, mà cụ thể trong Văn bản số 8467 của thành phố nêu rõ: “Luật Đất đai 2013”. Vậy theo Luật Đất đai 2013, tại Điều 62: “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” thì dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình lại không thuộc diện được phép thu hồi đất. Còn nếu xác định dự án của Công ty Miền Núi là dự án “cao ốc nghĩa trang” thì theo khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 phải có sự chấp thuận của HĐND thành phố Hà Nội.

Trong khi đó, dự án “cao ốc nghĩa trang” còn chưa lấy ý kiến nhân dân, chưa thông qua cấp thôn, cấp xã, cấp huyện thì việc UBND TP. Hà Nội chấp thuận đề xuất xây nơi chứa đựng hài cốt giữa Thủ đô liệu có phù hợp các quy định của pháp luật?

Không đặt nghĩa trang gần nơi đông dân cư

GS.TS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) bày tỏ: “Việc xây dựng nghĩa trang, nơi chứa đựng tro cốt ở giữa lòng Thủ đô thì rõ ràng cần phải cân nhắc. Hiểu đơn giản nhất nơi thờ phụng tâm linh cần thanh tịnh, sạch sẽ và không đặt gần dân cư đông người. Nếu chọn vị trí ở trung tâm làm nơi phục vụ cho thuê chỗ lưu giữ lọ tro cốt sẽ có đông người có nhu cầu. Từ đó dẫn đến việc sau một thời gian nghĩa trang sẽ bị quá tải do quỹ đất nhỏ”.

Phá vỡ quy hoạch?

Ngày 8/4/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 496/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mục “nghĩa trang cấp xã” nêu rõ: “Có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang. Di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch”.

Tháng 12/2014, Hà Nội đã công bố Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, quỹ đất xây nghĩa trang được dự báo là 1.200 ha, kinh phí khái toán đến 2030 là 24.000 tỷ đồng. Theo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, về nguyên tắc khu vực nội đô không có nghĩa trang, tất cả nhu cầu an táng đều phải chuyển ra bên ngoài. Những nghĩa trang đang tồn tại từng bước sẽ chuyển khỏi nội đô. Trước mắt khi chưa chuyển được, những khu vực này sẽ được tiến hành trồng cây xanh đảm bảo môi trường, cảnh quan. Vậy nhưng, không hiểu vì lý do gì, UBND TP Hà Nội lại chấp thuận với đề xuất của Công ty Miền Núi bổ sung xây dựng “cao ốc tro cốt” tại vị trí đất lập dự án Trung tâm thương mại dịch vụ Hạ Đình ngay giữa khu vực nội đô như vậy?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Tuân (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN