Tùy tiện Đầu tư công: Những dự án công tốn tiền ngân sách

Trong lúc kinh tế khó khăn, tại TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) vẫn triển khai hàng loạt dự án hoành tráng, tốn kém ngân sách. Trong khi đó, nhiều hạng mục công trình dân sinh khác lại đang bị “đắp chiếu” nhiều năm.

Lãng phí đơn, lãng phí kép

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Bí thư và Chủ tịch UBND phường Hồng Châu (TP Hưng Yên) cho biết, người dân phố Hiến đang bị tác động bởi dự án nâng cấp hạ tầng (phố Hiến). Theo ông Hà, các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống thoát nước... có cốt đường và cao trình không hợp lý với phố cổ.

Điển hình như đường Phương Cái, Hàn Lâm, nền đường quá cao khiến nền nhà dân tụt xuống, nước chảy vào nhà. “Nếu cốt đường này triển khai ở phố Hiến, các sân đình, chùa trong khu sẽ trở thành ao. Và như vậy sẽ phải làm lại tất cả các cổng đình, chùa; ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan phố cổ”, ông Hà nói.

Nhiều người dân tại phường Hồng Châu cho biết, các cao trình và thiết kế cụ thể của 14 tuyến đường không được công khai để dân biết, tham gia góp ý kiến. “Vì sao một số ngõ ở khu vực phố Mậu Dương và phố Phương Độ đã đổ bê tông kiên cố, đảm bảo tải trọng cho xe 5 tấn; đường cũng chưa hỏng, nay lại cho máy móc đào lên nâng cao”, ông Hà nói.

Theo quan sát của PV Tiền Phong, có những con đường, chủ đầu tư cho làm một lúc 4 đường cống thoát nước. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình mọc lên hoành tráng. Điển hình như công trình xây dựng Quảng trường Nguyễn Văn Linh; trụ sở Thành ủy, UBND TP Hưng Yên và hàng loạt công trình khác.

Tùy tiện Đầu tư công: Những dự án công tốn tiền ngân sách - 1

Trụ sở UBND TP Hưng Yên đang được xây dựng đồ sộ. (ảnh lớn) Tiêu tốn gần 100 tỷ đồng nhưng dự án lấp sông đường Lê Văn Lương và làm bồn hoa hơn 3 năm vẫn chưa xong (ảnh nhỏ). Ảnh: Phong Cầm

Nhiều người dân cho biết, Quảng trường Nguyễn Văn Linh (nằm ở trung tâm TP Hưng Yên) quá tốn kém. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư lên tới vài chục tỷ đồng.

“Việc ốp đá hầu hết khu vực mặt bằng phía trước quảng trường là không cần thiết, gây tốn kém. Do ốp toàn đá nên mùa mưa trơn trượt, mùa hè nóng ran, không ai dám vào chơi. Quảng trường lúc nào cũng vắng”, một cán bộ công an nghỉ hưu cho biết.

Sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên chuyển về trụ sở mới; cùng với đó, trụ sở của Thành ủy và UBND thành phố Hưng Yên cũng được xây dựng mới. Được biết, tổng mức đầu tư xây dựng trụ sở Thành ủy và UBND TP Hưng Yên lên tới khoảng 160 tỷ đồng.

Điều dư luận thắc mắc là, vì sao, khi UBND tỉnh Hưng Yên chuyển đi, trụ sở cũ rộng rãi, khang trang lại không nhường cho UBND TP mà phải xây trụ sở mới.

Chưa dừng ở đó, dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên hiện đã có nhà khách nhưng mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục ra quyết định phê duyệt “Dự án xây dựng công trình Khối nhà phục vụ Trung tâm hội nghị tỉnh”. Được biết, dự án này có tổng mức đầu tư 143,399 tỷ đồng.

“Đói” vốn vẫn phê duyệt loạt dự án

Hiện, có nhiều dự án tại tỉnh Hưng Yên sử dụng vốn ngân sách đang trong tình trạng “đắp chiếu”. Ngay tại phường An Tảo (TP Hưng Yên), dự án kênh chợ Gạo nhiều năm nay án binh bất động.

Sau khi trúng thầu, Cty TNHH Minh Phương tiến hành lấp sông ven đường Lê Văn Lương và làm bồn hoa phía trên, nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa xong.

“Đây là khu vực thuộc trung tâm thành phố, nhưng cả đoạn đường dài hàng km cỏ mọc um tùm; cống, bệ xi măng vương vãi khắp nơi”, ông Chiến, một người dân tại phường An Tảo nói.

“Năm 2013, tổng thu ngân sách của Hưng Yên đạt khoảng 5.800 tỷ đồng. Với khoản ngân sách eo hẹp, việc chi tiền xây dựng các công trình hoành tráng trong bối cảnh kinh tế và đời sống người dân còn khó khăn như hiện nay đang khiến dư luận bức xúc”.

 Một lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên

Làm việc với Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Thành-Phó Chủ tịch UBND TP Hưng Yên cho biết, dự án tiêu tốn tiền ngân sách nhất là xây dựng trụ sở Thành ủy và UBND thành phố. “Tính cả tiền giải phóng mặt bằng và tiền xây dựng, tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng/trụ sở”, ông Thành tiết lộ.

Đề cập sự lãng phí trong đầu tư hiện nay, ông Lâm Đức Thuấn, Trưởng Ban quản lý Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng TP Hưng Yên nói: “Nói thật, muốn làm sai cũng chẳng được”.

Liên quan dự án nâng cấp hạ tầng phố Hiến cũ và đường đô thị, ông Thuấn thừa nhận là vốn đi vay Ngân hàng ADB, được Chính phủ “rót” về. “Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9 triệu USD; đã làm được 30-40% và đang thi công hệ thống thoát nước”, ông Thuấn nói.

Vì sao đường đang tốt phải phá bỏ, thậm chí có đường làm tới 4 đường cống thoát nước gây lãnh phí, ông Thuấn lý giải: Việc nâng cấp hạ tầng phố Hiến phải đúng quy hoạch. Thiết kế do tư vấn ADB làm. Họ nghiên cứu tổng thể dự án thoát nước của thành phố.

“Mục đích để thoát nước ra nhà máy sắp tới sẽ xây dựng. Việc dân phản ánh sẽ gây ngập ở các di tích phố Hiến không đúng lắm đâu”, ông Thuấn nói.

Ông Thuấn cũng thừa nhận: Đơn vị ông mỗi năm quản lý vài ba chục công trình. Tuy nhiên, hiện nay đang đình trệ vì thiếu vốn.

Theo ông Thuấn, riêng tổng vốn đầu tư các công trình trên địa bàn TP Hưng Yên “khoảng vài ba trăm tỷ đồng”, chủ yếu tiền ngân sách. “Không có vốn nên chúng tôi chỉ tập trung cho Dự án trọng điểm xây dựng trụ sở UBND TP và đường ra bến cảng”, ông Thuấn nói.

Cũng theo ông này, nguồn vốn của TP Hưng Yên dùng để xây dựng các công trình, chủ yếu lấy từ việc đấu giá quyền sử dụng đất từ các khu giãn dân. “Nhưng giờ đất không bán được, chúng tôi biết lấy nguồn đâu ra. Đành để dự án đắp chiếu thôi”, ông Thuấn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhóm PV Kinh tế (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN