Trước thềm Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp: DN nói lời gan ruột

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang nằm trong cảnh thoi thóp, gặp lắm ải gian truân, thậm chí gặp sự vô cảm, chèn ép của cán bộ, cơ quan công quyền… Cộng đồng DN có lẽ hơn bao giờ hết cần một môi trường an toàn, một tư duy “mở” ủng hộ kinh doanh, đồng hành với DN.

Trước thềm Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp: DN nói lời gan ruột - 1

Dây chuyền lắp ráp nồi cơm điện của một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Như Ý.

Thủ tục trói, bủa vây nghẹt thở 

Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Cty Sơn Trường (Hải Phòng), muốn gửi đến Thủ tướng Chính phủ những lời “gan ruột” mà môi trường kinh doanh đang cản trở. “Thủ tục hành chính giăng mắc, trói DN bằng các sợi dây vô hình, tưởng như không thể nào nới ra được”, ông Thắng nói.

Ông Thắng kể về “hành trình đi tới một giấy phép xây dựng” của DN ông phải qua cả “rừng” cửa ải với cánh cửa đầu tiên là “Giấy chứng nhận thẩm định phương án Phòng cháy chữa cháy (PCCC)” của cơ quan PCCC tưởng đơn giản, nhưng “hành” ông khốn khổ.

“Đất nước cần cuộc cải cách thực sự. Bộ máy quản lý nhà nước phải tinh gọn. Công chức nhà nước phải bỏ thói vô cảm và vòi vĩnh. Có như thế thì DN mới tồn tại và phát triển để đóng góp thiết thực vào công cuộc chấn hưng đất nước”. 

Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Cty Sơn Trường

Ông kể: Công ty tôi có một dự án xây dựng nhà máy bê tông đúc sẵn, có phun lửa vào nhà máy cũng không thể cháy được. Nghe theo lời khuyên “hãy thuê người bên họ” thiết kế giúp thì phương án dễ được phê duyệt chúng tôi đã thỏa thuận đầy đủ mọi chi phí do họ đưa ra, nhưng vẫn chưa đủ! Tình thế bất ngờ,  yêu cầu thật “lạ lùng” mà cơ quan thiết kế đưa đó là phải xây tường gạch bao kín các cột thép để phòng gây cháy! Chúng tôi chỉ có thể lựa chọn 1 trong 3 phương án: Bỏ cột thép thay thế bằng cột bê tông để khỏi phải xây; theo phương án mà họ đưa ra (xây bịt) để được phê duyệt và cứ chấp thuận theo phương án của họ để xong thủ tục, nhưng khi thi công thì làm theo ý mình. Cuối cùng, đành theo phương án của họ và chấp nhận “làm luật” cho mỗi lần cơ quan PCCC đến kiểm tra”.

Nỗi khổ kế tiếp là bộ phận “một cửa”, dù cấp giấy hẹn ngày trả, nhưng đến hẹn đơn giản là “chưa xong”, các sếp bận chưa ký được. Một tuần sau cũng chưa xong, các sếp vẫn bận. Hai tuần sau “một cửa” thông báo sếp về rồi nhưng muốn ký được thì phải “tác động”.

“Quá mệt mỏi và bức xúc vì một dự án 200 tỷ đồng, thiết bị đã nhập về chất đống đầy sân đã nằm chờ nhiều ngày xin cấp phép xây dựng mà giấy của PCCC còn chưa xong.  Không còn cách nào tốt hơn chúng tôi phải nghe theo lời khuyên của “một cửa” là “tác động”. Nhưng có thể “tác động” chưa đủ mạnh nên “một cửa” bảo vẫn phải chờ. Tới lúc này chúng tôi không còn chịu được nữa…

Nhà máy Vinaxuki bị đắp chiếu vì thiếu vốn.

Cần một cuộc cải cách thực sự

Cty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) là một trong số ít DN Việt đầu tiên tham gia sản xuất ô tô, và là đơn vị duy nhất tới nay sản xuất chiếc xe 4 chỗ “Made in Vietnam”. Ban đầu, DN này cũng chỉ nhập linh phụ kiện về lắp ráp và bán ra thị trường các dòng xe tải. Tuy nhiên, đang lúc ăn nên làm ra, ông chủ của Vinaxuki rót tiền vào nghiên cứu, đầu tư công nghệ để sản xuất xe con. 

Gặp đúng thời kỳ kinh tế khủng hoảng, đầu tư chưa ra sản phẩm thì cạn vốn, kéo theo sự đi xuống của toàn bộ nhà máy. Từ năm 2012 tới nay, nhà máy của Vinaxuki phải dừng hoạt động vì thiếu vốn, các ngân hàng từ chối cho vay. Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Vinaxuki cho biết, giờ ông chỉ cần được vay khoảng 200 tỷ đồng vốn lưu động để nhập nguyên liệu tái sản xuất. Khi sản xuất trở lại sẽ có vốn để trả nợ, nhưng các ngân hàng nhất quyết không cho vay thêm dù Thủ tướng đã 12 lần có văn bản đề nghị các ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn cho Vinaxuki (lần gần nhất vào ngày 2/2/2016).

Ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Cty CP May Nam Hà (Nam Định) nói rằng, với người sản xuất, kinh doanh có vô vàn vướng mắc phải giải quyết liên quan tới pháp luật. Đặc biệt là vướng mắc ở khâu thực thi, khi bộ máy thực thi xa rời cuộc sống. “Quy định thì có cả rừng, đụng đâu cũng vướng, nhưng đây là vấn đề tế nhị. Khó khăn nhất có thể giải quyết ngay để giúp DN là những vấn đề liên quan tới thuế, phí”, ông Dũng nói. Theo ông, thuế phí hiện nay DN phải gánh quá cao, thủ tục lại rất phức tạp.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa, không ít cán bộ tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn suy nghĩ cơ quan nhà nước là thủ trưởng, cấp trên của DN, nên tự cho mình quyền ban phát. “Nếu không xóa bỏ tư tưởng này trong một bộ phận cán bộ công quyền thì cơ chế xin cho, thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền đối với DN vẫn sẽ tồn tại, gây cản trở lớn cho sự phát triển”, ông Đệ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh - Lê Việt (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN