Tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới khoảng 640.000 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh Doanh

Phát biểu giải trình trước Quốc hội chiều 12/06 về Nghị quyết xử lý nợ xấu đang được các ĐBQH cho ý kiến, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là khoảng 640.000 tỷ đồng.

Mỗi năm xử lý gần 130.000 tỷ đồng nợ xấu

Nợ xấu luôn tiềm ẩn phát sinh hàng ngày và song hành cùng các hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, tính trung bình nợ xấu mới phát sinh hàng năm khoảng 1,3% trên tổng dư nợ và cho vay đầu tư đối với nền kinh tế, chủ yếu do các nguyên nhân khách quan và một số nguyên nhân chủ quan.

Với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế bình quân hàng năm khoảng 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong 5 năm giai đoạn 2017-2022 là khoảng 350.000 tỷ đồng. Nếu duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là khoảng 640.000 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng nợ xấu.

Như vậy, nếu chỉ giới hạn xử lý nợ xấu đến 31/12/2016 như phương án 2 của dự thảo Nghị quyết, số nợ xấu mới phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực sẽ tiếp tục gặp vướng mắc.

Tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới khoảng 640.000 tỷ đồng - 1

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.

Ngân sách nhà nước gián tiếp bị ảnh hưởng

Nhiều ĐBQH đề nghị nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) trong xử lý nợ xấu. Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng Chính phủ cũng đã báo cáo một cách nghiêm túc trước Quốc hội về việc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên quá trình xử lý nợ xấu các TCTD đã trích lập dự phòng, việc này chắc chắn ảnh hưởng đến thu nhập của các TCTD nên dẫn đến việc NSNN mất đi một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc này.

Hơn nữa, khi các ngân hàng quốc doanh tăng cường trích lập dự phòng cũng làm giảm khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt của ngân hàng. Dẫn đến cổ đông nhà nước không được nhận cổ tức bằng tiền mặt, như vậy NSNN gián tiếp bị ảnh hưởng từ quá trình xử lý nợ xấu.

Như vậy, mặc dù nguyên tắc không dùng tiền NSNN để xử lý nợ xấu, nhưng NSNN cũng gián tiếp bị ảnh hưởng từ quá trình này.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định Nghị quyết không tạo ra bất cứ đặc quyền hay ưu ái nào cho TCTD. Trong khi Ngân hàng Thế giới đã nhiều lần khuyến nghị hệ thống pháp luật Việt Nam cần tăng cường hơn nữa quyền của bên cho vay. Do vậy, bên cạnh quyền hợp pháp chính đáng của bên đi vay đã và đang được thực thi, quyền hợp pháp chính đáng của bên cho vay cũng cần phải được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.

“Việc xử lý nợ xấu giúp giảm chi phí tài chính của các TCTD, qua đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DN và nền kinh tế, qua đó đảm bảo an toàn cho các TCTD và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền” - Thống đốc Lê Minh Hưng thuyết phục các ĐBQH.

Mục tiêu tiên quyết của Nghị quyết khi Chính phủ trình Quốc hội là việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD vừa qua không đạt kết quả như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn do những bất cập về tính pháp lý. Có những vấn đề chưa được pháp luật quy định; có những vấn đề pháp luật đã có nhưng chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến không khả thi.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thống nhất trình Quốc hội ban hành Nghị quyết với nội dung chủ yếu tập trung vào những vướng mắc nhằm xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. Việc ban hành Nghị quyết này không làm sửa đổi các luật khác, mà được áp dụng như một văn bản chuyên ngành nhằm khắc phục các bất cập hiện hành để xử lý nợ xấu.

Về thu giữ tài sản bảo đảm, nhiều ý kiến lo ngại sẽ phát sinh ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến trật tự trị an. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết việc thu giữ tài sản bảo đảm không áp dụng với trường hợp tài sản bảo đảm có tranh chấp hoặc bị kê biên trong vụ án hình sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Giang (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN