Tiền ồ ạt “chảy” vào ngân hàng sau Tết

Sự kiện: Tiền tệ

Những ngày sau Tết Nguyên đán, người dân tấp nập mang tiền đi gửi tiết kiệm. Hàng trăm tỷ đồng đã “chảy” vào ngân hàng mỗi ngày.

Người dân ùn ùn đi gửi tiền

Những ngày đầu năm, chị Nguyễn L. Thảo, nhân viên Phòng giao dịch Đại Cồ Việt một ngân hàng thương mại Nhà nước lớn đón tiếp mỗi ngày 70 - 80 khách hàng qua gửi tiền. Điểm giao dịch của chị Thảo không phải điểm đông dân cư nhưng lượng khách hàng tới trong những ngày này đông hơn ngày thường rất nhiều. “Thông thường dịp sát Tết và sau Tết người dân mang tiền gửi ngân hàng đông hơn thường lệ”, chị Thảo nói.

Nên kiểm tra tài khoản mỗi tháng 1 lần

Thời gian qua, một số tài khoản tiết kiệm của khách hàng tại một số ngân hàng “bỗng dưng” mất tiền. Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2, trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến vụ việc khách hàng bị mất tiền khi gửi tại Eximbank, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, Ngân hàng Nhà nước và Eximbank sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tiết kiệm và xem đó là ưu tiên hàng đầu. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khách hàng nên kiểm tra tài khoản ít nhất  mỗi tháng một lần để theo dõi lịch sử giao dịch, kiểm tra các hoạt động giao dịch. Ông Hiếu cho rằng, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để nhận thông tin biến động tài khoản kịp thời.

Chị Thảo phân tích, trước Tết nhu cầu thanh toán rất cao nên người dân tới nộp tiền phục vụ nhu cầu thanh toán và nhiều người nộp tiền vào ngân hàng vì không muốn giữ tiền mặt ở nhà dài ngày suốt dịp Tết. Còn sau Tết, theo chị Thảo, số tiền sau khi “tổng kết Tết” cũng được mang ra gửi tại các ngân hàng. “Năm nay, người dân tới gửi đông nhưng số tiền gửi không nhiều và cũng không có trường hợp đột biến. Khách gửi chủ yếu từ vài chục tới vài trăm triệu đồng và đa số là kỳ hạn ngắn”, chị Thảo thông tin. Nhiều khách hàng chọn kỳ hạn ngắn, theo lý giải của chị Thảo là tâm lý gửi tiền sau Tết để lấy may. Tuy nhiên, tích tiểu thành đại, ngân hàng này đã thu hút được một nguồn vốn lớn ngay đầu năm.

Nắm bắt tâm lý đầu năm của khách hàng, ngay sau kỳ nghỉ Tết, các ngân hàng đã đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mại đầu xuân, như ACB có chương trình “Lộc xuân như ý” với 76.985 quà tặng cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng, kỳ hạn tối thiểu 1 tháng; OCB có chương trình “Khai xuân đắc lộc, khởi phát thành công” từ sau Tết tới ngày 21/4 với nhiều quà tặng “khủng” với tổng giá trị 4 tỷ đồng; Sacombank có chương trình “Chào Xuân đón lộc” với cơ hội bốc thăm trúng thưởng 100% dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc số tiền từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên; Maritime Bank có chương “Lộc vàng như ý - Tiền tỷ đến nhà”…

Mỗi ngày một ngân hàng hút vài trăm tỷ đồng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT, TGĐ Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, đầu năm nay tình hình huy động của SCB và các ngân hàng khá tốt, có thể huy động vài trăm tỷ đồng mỗi ngày. Riêng tại SCB, lãnh đạo ngân hàng này tiết lộ, sau Tết, mỗi ngày ngân hàng thu hút trung bình trên 250 tỷ đồng, có ngày lên tới 300 tỷ đồng. “Đầu năm, dòng tiền chưa đi vào vòng quay kinh doanh, đặc biệt là ngành bất động sản, xây dựng”, ông Văn nói và cho biết đối với các ngành đặc thù có chút tâm lý này thì sớm cũng phải từ cuối tháng 1 Âm lịch mới bắt đầu triển khai hoạt động.

Tiền ồ ạt “chảy” vào ngân hàng sau Tết - 1

Dịp đầu năm, mỗi ngày lượng tiền gửi vào mỗi ngân hàng lên đến vài trăm tỷ đồng

Còn theo nhìn nhận của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đầu năm tiền đổ từ dân cư vào ngân hàng là diễn biến mang tính chu kỳ. Do đó, một số ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút vốn. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, sau nhiều vụ khách hàng bị mất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì tâm lý và tư duy của người dân đã thay đổi, họ sẽ đặt yếu tố an toàn lên đầu tiên, lên trước cả yếu tố lãi suất.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho biết, các ngân hàng đang khá dồi dào vốn, trong khi đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 13 - 15%, thấp so với 17 - 18% của năm ngoái. Điều này sẽ khiến các ngân hàng phải cân đối đầu ra hợp lý nhưng dự báo giải ngân cũng sẽ khá tích cực. Trong trường hợp cần thiết để phù hợp tới tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh nhưng có lẽ phải tới quý III. Trong bối cảnh nguồn tiền dồi dào, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nếu Ngân hàng Nhà nước  giảm lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu xuống 0,24 - 0,5% sẽ tác động, làm giảm mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng xuống. Đây sẽ là cơ hội để giảm lãi suất cho vay các doanh nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN