Thủ tướng đang đối thoại với DN: Luôn đồng hành

Ngày 29/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.

Thủ tướng đang đối thoại với DN: Luôn đồng hành - 1

Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng nay 29/4. Ảnh: Chinhphu.vn

Tiếp tục cập nhật

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng. Hội nghị này cũng được trực tuyến tại UBND 63 tỉnh trên cả nước với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngay trong phát biểu mở đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại thời điểm này 40 năm trước đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thống nhất đất nước, thực hiện di nguyện của Bác Hồ, thống nhất phải xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, trong đó có vai trò quan trọng đặc biệt của doanh nghiệp. 

Thủ tướng khẳng định sẽ “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế’. Theo ông, Chính phủ sẽ thực hiện theo đúng Hiến pháp với tinh thần đối mới, Chính phủ sẽ bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Thủ tướng lưu ý, các đại biểu cần phát biểu thẳng thắn, cởi mở, chân thực. “Điều đặc biệt chúng tôi chỉ mời có 500 nhưng tại hội trường đã có hơn 1.000 người, còn các đầu cầu khác ở các địa phương thì hội nghị này có trên 10.000 người là chủ các doanh nghiệp, cho nên phát biểu ngắn gọn để dành thời gian cho đại biểu khác” – ông nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan liên quan phát biểu với tinh thần đúng luật doanh nghiệp, luật đầu tư cùng tháo gỡ, đồng hành với doanh nghiệp “chứ không phải lên đây phát biểu chuyện cũ, nói quyền anh quyền tôi”.

Thủ tướng cho biết ông kỳ vọng kết quả của hội nghị sẽ tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp vào hệ thống cơ quan nhà nước, tạo niềm tin vào xã hội – một niềm tin thị trường mới và niềm tin vào một chế độ tốt đẹp để mọi người găng hái tham gia vào sản xuất kinh doanh nhanh hơn, nhiều hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn.

Ông cũng cho hay hội nghị này sẽ “khởi đầu chế độ mới” trong đối thoại, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và chính phủ một cách thẳng thắn, cầu thị, chân thành và đây sẽ là phương châm xuyên suốt buổi chất vấn đối thoại hôm nay cũng như tại các buổi tiếp theo ở các cấp chính quyền.

Hội nghị sáng ngày 29/4 đã thu hút rất đông người quan tâm, ngay từ 7h sáng đã có hàng trăm người là các doanh nghiệp tập trung làm thủ tục tại cổng Hội trường Thống Nhất. Do lượng người tham gia quá lớn nên ngoài hội trường phía trong Ban tổ chức đã truyền hình trực tiếp ra hai phòng bên ngoài để các đại biểu và PV theo dõi.

Đại diện giới doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển DN cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN.

Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu, có hai việc cần làm ngay. 

Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.

Việc thứ hai là vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, KHCN, công nghiệp….

Về môi trường đại diện hiệp hội mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…

Về lĩnh vực năng lượng, Hiệp hội mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả;…

BIDV cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay ngay ngày mai

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đề xuất 2 nội dung: Về chính sách phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp và các FTA; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không ban hành thông tư; có cơ chế giám sát và chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi nhất là các hành vi nhũng nhiễu DN…; nhanh chóng ban hành Luật Phá sản; về thực thi Nghị quyết 19, phải có tiếng nói kiểm chứng từ DN…

Điểm qua tương quan so sánh tín dụng giữa Việt Nam với các nước ASEAN, Chủ tịch BIDV kiến nghị một số nội dung: Đề nghị NHNN tiết giảm dự trữ bắt buộc đối với VNĐ và ngoại tệ; giảm phát hành trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh cơ chế tái cấp vốn và cấp bù lãi suất; tiết kiệm chi phí quản lý của các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh đầu tư vốn cho các dự án PPP… 

Đồng thời ông Hà cam kết BIDV sẽ giảm lãi suất tín dụng ngay ngày mai…  

Về xử lý nợ xấu, ông Hà cũng góp ý nội dung tạo lập thị trường mua bán nợ; nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng; phát hành trái phiếu hàng hóa đối với hai chủng loại xi măng và sắt thép cho các tỉnh đặc biệt khó khăn; đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính...

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của VN sẽ được cải thiện. Trong đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực CNTT, phần mềm, nông nghiệp… đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT, phần mềm,… đưa đào tạo kỹ năng CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông, và DN Nhật mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.

Trong phần phát biểu của đại diện HTX Thương Mại Saigon Coop, lãnh đạo đơn vị này nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, đề nghị Chính phủ có giải pháp bảo vệ thị phần, DN bán lẻ trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng chiến lược quốc gia phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam; xây dựng phát triển nhóm 20 DN bán lẻ Việt Nam có thực lực, sẵn sàng cạnh tránh; cải tiến quy định về mua bán sáp nhập; ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với DN bán lẻ…

Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc góp ý một số ý kiến liên quan đến vấn đề lao động tại Việt Nam như: Cấp Giấy phép lao động trong sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; Thành lập Ủy ban Cải cách thể chế do Thủ tướng đứng đầu; đẩy mạnh cải thiện các quy định, giải quyết các vướng mắc của DN;...

Đại diện DN Nhật Bản cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bà mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk góp ý, Chính phủ cần sớm quy định cụ thể về Luật Doanh nghiệp, cải cách hành chính, rà soát giảm thiểu giấy phép con, các quy định cấp phép phải rõ ràng để hỗ trợ DN... Đồng thời, nâng cao tính liên thông giữa các bộ ngành trong cấp phép đầu tư; rà soát lại thủ tục Hải quan để các cơ quan có các cơ quan liên kết chặt chẽ khi xử lý hồ sơ của DN, không để cùng lúc 2 cơ quan cùng xử lý một khâu...Đề nghị các cơ chế chính sách đã được DN thực hiện ổn định thì không nên thay đổi, gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp.Bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh, Vinamilk cũng như cộng đồng DN mong muốn Chính phủ hãy coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý.Đại diện Công viên Phần mềm Quang Trung phát biểu một số nội dung về ưu đãi thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuê đất để thúc đẩy phát triển DN phần mềm; rà soát các quy định về nội dung số; đổi mới nội dung chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm;... 

Tiếp tục cập nhật

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Cường (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN