Thủ tướng: Chấm dứt dàn trải, xin cho vốn đầu tư công

“Lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Ngày 7/8/2014, tại Thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; triển khai Luật Đầu tư công và Luật Đấu thầu.

Phát biểu về nội dung xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ việc Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2015 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai xây dựng Kế hoạch này.

“Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn thúc đẩy tăng trưởng, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô và tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, cần tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 chỉ ở mức khiêm tốn, với mức tăng khoảng trên dưới 10%/năm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế danh nghĩa 13,5-14%; và ngày càng giảm trong cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội.

Thủ tướng: Chấm dứt dàn trải, xin cho vốn đầu tư công - 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, tốc độ tăng vốn này là thấp so với nhu cầu đầu tư của các bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn tới, do đó vốn đầu tư công giai đoạn tới sẽ chỉ tập trung cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, những công trình quan trọng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và đời sống của người dân. “Không còn cách nào khác là chúng ta phải tăng đầu tư toàn xã hội thông qua huy động mọi nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Theo định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước bảo đảm chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý, dự kiến tăng bình quân 10%/năm. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước dự kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 8%/năm so với kế hoạch năm trước.

Các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương không vượt quá tổng mức huy động theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Các bộ, ngành và địa phương dự kiến phương án phân bổ khoảng 85% kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự phòng khoảng 15% ở cấp trung ương và các cấp chính quyền địa phương.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự kiến giai đoạn 2016-2020 chỉ thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia có mục tiêu quan trọng và bao quát nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các chương trình khác, chủ trương của Chính phủ là giảm tối đa số lượng theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Trong từng ngành, lĩnh vực, nếu cần thiết thì chỉ thực hiện không quá 2 chương trình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN