Thống đốc Bình: Có cơ hội là giảm lãi suất ngay

“Cứ mươi mười lăm ngày, chúng tôi phân tích lại một lần, nếu có bất kỳ cơ hội nào có thể giảm lãi suất, chúng tôi thực hiện ngay”.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đang diễn ra tại Hà Nội ngày 28/4, một số đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ bày tỏ sư khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hiện nay mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tránh “nay xuống, mai lên”

Trả lời các đại biểu ngay tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, suốt 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu giảm lãi suất. Đến nay đã duy trì được mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với năm rưỡi, 2 năm trước đây.

Ông cho hay, mặc dù muốn giảm lãi suất hơn nữa, nhưng còn tùy thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô. Theo ông, vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay của nền kinh tế, của dân, nếu hạ thấp hơn nữa phải giải thích được “dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không?”.

Thống đốc Bình: Có cơ hội là giảm lãi suất ngay - 1

Thống đốc Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nếu dân không giữ nữa, có thể nảy sinh ra các hệ lụy như: dân đầu tư vào các lĩnh vực nhà nước không khuyến khích như vàng, ngoại tệ... Do vậy, phải cân đối để làm sao bảo đảm được giá trị của đồng tiền Việt, nguồn vốn của nền kinh tế. Trên cơ sở đó bảo đảm thanh khoản của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng.

Thống đốc nói: “Chúng tôi theo dõi sát sao, phân tích kỹ lưỡng, thậm chí cứ mươi mười lăm ngày, chúng tôi phân tích lại một lần, nếu có bất kỳ cơ hội nào có thể giảm lãi suất, chúng tôi thực hiện ngay”.

“Nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững, ổn định, tránh việc chính sách “giật cục” nay xuống mai lên”.

Ngân hàng quá thận trọng cho vay

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong tổng dư nợ cho nền kinh tế hiện nay, dư nợ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 60% tổng dư nợ cả nước. Nghĩa là 60% vốn của toàn hệ thống ngân hàng phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do vậy, có bất kỳ khó khăn gì trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động các tổ chức tín dụng.

Ông thừa nhận, thực tế đúng là có chuyện các ngân hàng thận trọng cho doanh nghiệp vay vốn. Bởi khi việc cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn ẩn chứa nhiều rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Nếu không đảm bảo chất lượng tín dụng, nợ xấu sẽ tăng lên.

Trả lời ý kiến, lãi suất giảm nhưng vẫn cao so với khả năng của doanh nghiệp, ông Bình cho rằng, hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Do vậy, phải có các cơ chế khác hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Thống đốc, trước mắt sẽ đẩy mạnh cơ chế Ngân hàng kết nối với các doanh nghiệp và có sự tham gia của chính quyền địa phương.

Cơ sở của giải pháp này xuất phát từ ví dụ tại Thành phồ Hồ Chí Minh: doanh nghiệp cần lãi suất thấp hơn nữa nhưng ngân hàng không cố được và lúc này chính quyền vào cuộc, hỗ trợ doanh nghiệp thêm 2-3% lãi suất thì doanh nghiệp hoạt động được.

Thông báo thêm về tình hình giảm lãi suất cho vay ở các khoản vay trước đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói  bức tranh lãi suất đã thay đổi lớn khi mức lãi suất trên 13% của toàn hệ thống hiện chỉ chiếm 16% trên tổng dư nợ. Còn mức lãi suất trên 16% chỉ còn chiếm 5% tổng dư nợ. Ở các mức lãi suất này không có lĩnh vực sản xuất.

Mức lãi suất cho vay hiện nay trên 13% chủ yếu là ở lĩnh vực cho vay tiêu dùng, phù hợp với thông lệ để tránh tình trạng cho vay nặng lãi ở thị trường chợ đen.

Mức lãi suất trên 16% đang tồn tại trên thị trường thuộc lĩnh vực bất động sản. Trong số này, dự án bất động sản nào hiệu quả thì chủ đầu tư sẵn sàng vay lại tới 14-15% vì lợi nhuận của dự án cao hơn nhiều, miễn sao nguồn vốn ngân hàng cung cấp kịp thời, đáp ứng được nhu cầu đầu tư trung, dài hạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN