Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bán tháo và chờ đợi?

Sự kiện: Tin chứng khoán

Diễn biến giá dầu thô tiếp tục lao dốc mạnh cùng“cú bồi” của thị trường chứng khoán Trung Quốc đóng cửa lần thứ 2 trong tuần đầu năm mới, đã khiến chứng khoán Việt Nam hôm qua 7/1 dù không muốn cuối cùng vẫn ngập trong sắc đỏ. Ngay đến những nhà đầu tư bản lĩnh nhất cũng không chịu được áp lực, bắt đầu bán tháo.

Hoang mang và bán tháo

Sáng 7/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố giảm tỷ giá nhân dân tệ tham chiếu thêm 0,51%, xuống còn 6,5646 NDT/USD. Đây là mức phá giá mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái và tỷ giá chính thức đang ở mức yếu nhất kể từ tháng 3/2011. Ngay sau quyết định trên, chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm hơn 7%, khiến thị trường này phải đóng cửa giao dịch lần thứ hai liên tiếp chỉ trong vài ngày.

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bán tháo và chờ đợi? - 1

Toàn bộ các thị trường châu Á trong phiên lập tức giảm mạnh (chứng khoán Nhật giảm 2,3%, Hàn Quốc giảm 1,1%, Hồng Kông giảm 3%...) Không nằm ngoại lệ, thị trường chứng khoán Việt Nam lập tức chịu tác động mạnh với lực bán gia tăng khiến cả hai sàn mất điểm ngay từ đầu phiên (VN-Index tạm dừng tại 568.2 điểm giảm 1.11%; HNX-Index dừng tại mức 77.7 điểm giảm 1.25%). Tâm lý tác động đã khiến áp lực bán tháo bắt đầu ồ ạt diễn ra.

Sang đến phiên chiều, thị trường tiếp tục không  giữ được sự bình tĩnh. VN-Index giảm mạnh hơn 13 điểm để lùi về sát mốc 560 điểm. Toàn thị trường có hơn 300 mã giảm điểm và 37 mã giảm sàn. Giảm mạnh nhất chính là cổ phiếu nhóm khai khoáng, rồi đến bảo hiểm và chứng khoán... Dầu khí là nhóm cổ phiếu bị giảm giá mạnh nhất với PVD, PXS giảm sàn, GAS, PVS, PVC… giảm trên 5%.

“Về mặt kỹ thuật, thị trường giảm điểm mạnh kéo các chỉ số xuống gần các mốc hỗ trợ 560 điểm với VN-Index và 76 điểm với HNX-Index. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục giữ danh mục có tỷ lệ cổ phiếu ở mức an toàn và theo dõi thị trường kiểm nghiệm lại các vùng hỗ trợ nêu trên để có phản ứng phù hợp”, bản tin cuối ngày của công ty chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh.

Trái lại, phân tích của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại đưa ra lời khuyên: “Sau phiên hôm nay, khá nhiều cổ phiếu cơ bản đã về vùng mua hấp dẫn. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân tỷ trọng thấp vào một số mã đã giảm sâu trong đợt vừa rồi hoặc có triển vọng kết quả kinh doanh quý IV khả quan”.

Cùng lúc trong ngày  khi PV Tiền Phong liên lạc, một đại diện UBCK chỉ ngắn gọn: Cơ quan này không đưa ra bất cứ bình luận nào ngoài việc vẫn theo dõi sát diễn biến thị trường. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam: Bán tháo và chờ đợi? - 2

Cơn “địa chấn” chứng khoán Trung Quốc đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư chứng khoán đang trải qua những ngày lo lắng. Ảnh: Như Ý.

Lo ngại phá giá VND

Không còn nghi ngờ, chứng khoán Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Qua phân tích và so sánh với các thị trường,  thậm chí ông Nguyễn Quang Minh, trưởng bộ phận Phân tích kỹ thuật Vietstock, thành viên Hiệp hội phân tích kỹ thuật Hoa Kỳ còn đưa ra nhận định: Thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh nhất đến Việt Nam.

Theo ông Minh, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ khi phân tích tương quan giữa VN-Index (đại diện cho thị trường Việt Nam) và các chỉ số chứng khoán thế giới, kết quả cho thấy hai chỉ số Hang Seng Index và Shanghai Composite Index của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường chứng khoán Việt Nam, hơn cả thị trường Mỹ (DJIA) và châu Âu (FTSE 100).  “Vì vậy, việc chú ý đến biến động của thị trường Trung Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới”, ông Minh nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Minh, hiện giai đoạn giảm điểm của Hang Seng Index từ tháng 4/2015 đến nay vẫn chưa chấm dứt. “Xu hướng hiện tại của thị trường Trung Quốc là khá bi quan. Các chỉ số chính đều đang chuẩn bị test hỗ trợ quan trọng nên cần theo dõi sát sao. Nhà đầu tư không nên bắt đáy quá mạnh trong thời gian tới để tránh rủi ro thua lỗ ngắn hạn”, ông Minh kết luận.

“2016 là một năm mà thị trường chứng khoán sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn khi Việt Nam trở thành điểm sáng về tăng trưởng ở châu Á”, ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng phân tích CTCK KIS Việt Nam nhận định. Phân tích về các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, ông Viễn nhận định đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn tỏ ra thận trọng về khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá VND trong năm 2016, có thể bắt đầu ngay trong tháng 1/2016. “Kỳ vọng tiền đồng có thể bị phá giá thêm 3-4% so với USD. Theo đó, áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ vẫn còn hiện hữu trong ngắn hạn” -  ông Viễn cho biết.

Tuy nhiên cũng theo ông Viễn, hiện NHNN đã triển khai cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn với sự kết hợp giữa giá tham chiếu (điều chỉnh theo ngày) và biên độ dao động. Ngoài ra, NHNN đang đẩy mạnh chống đô la hóa bằng việc tiến tới chấm dứt tình trạng huy động và cho vay bằng USD. Với cơ chế này, tỷ giá sẽ ít biến động mạnh như năm 2015 và điều này sẽ làm giảm rủi ro cho thị trường.

Tại buổi Tọa đàm về “thị trường chứng khoán 2016 và cơ hội hội nhập” vừa diễn ra, đại diện một công ty quản lý quỹ chỉ ra nhiều khả năng thị trường sẽ trầm lắng hết quý 1/2016. “Về cơ bản, khối ngoại vẫn đang chuẩn bị kha khá tiền để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt. Vấn đề là trong giai đoạn này các quỹ sẽ tạm thời “nằm im” chờ qua tháng 1/2016. Trong số các thị trường có nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á, các nhà đầu tư ngoại đang hướng đến hai thị trường đó là Việt Nam và Philippines”, vị này nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Minh (Tiền Phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN