Tăng khai thác dầu là tốt cho kinh tế?

Sự kiện: Kinh Doanh

Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% và khẳng định có cơ sở để đạt.

Quốc hội dành cả ngày 9-6 thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

"Già mà vẫn chưa giàu"

Đại biểu (ĐB) TP HCM, ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM, nói: "Chúng ta đang đối mặt với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng nhưng lại bị sức ép tăng trưởng nhanh để vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình. Thời gian không còn nhiều khi mà đến năm 2035, số lao động trong độ tuổi lao động giảm về số tuyệt đối và chúng ta đang đối mặt với thực tế già mà vẫn chưa giàu".

Liên quan đến giải pháp tăng khai thác dầu thô để tăng trưởng, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đánh giá việc tăng khai thác dầu khi giá phục hồi là cần nhưng nếu chỉ để tăng trưởng GDP thì phải cân nhắc khi chúng ta đang hướng đến tăng trưởng chất lượng và cạnh tranh. Phương thức đóng góp tài nguyên cho tăng trưởng GDP chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và hệ lụy cho tương lai.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay Chính phủ giữ quan điểm mục tiêu tăng trưởng 6,7% bởi hoàn toàn có cơ sở để phấn đấu. Cụ thể, bối cảnh có nhiều thuận lợi so với năm 2016; nông nghiệp phục hồi mạnh hơn, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tích cực; xuất khẩu có khả năng đạt mức tăng 10%; một số dự án lớn đang hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng.

"Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá cũng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế vĩ mô. Cùng đó, xác định ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững là mục tiêu hàng đầu. Giải pháp căn cơ và căn bản là khơi được mọi tiềm năng để tận dụng được mọi cơ hội" - ông Dũng nhấn mạnh. Theo tinh thần đó, trước tình hình giá dầu phục hồi tốt và khả năng còn khai thác được thì Chính phủ cũng quyết định tận dụng cơ hội này để khai thác thêm. Việc này là tốt cho nền kinh tế và không đến nỗi là khai thác quá mức để cạn kiệt tài nguyên.

Tăng khai thác dầu là tốt cho kinh tế? - 1

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng điệp khúc “được mùa, mất giá” là ám ảnh thường trực Ảnh: TTXVN

Nông dân cô độc

Một vấn đề khác tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế là câu chuyện về ngành nông nghiệp. ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ: "Chuyện được mùa mất giá, biết rồi nói mãi nhưng được gì đâu? Giá cả phụ thuộc cung- cầu nhưng vai trò quản lý nhà nước ở đâu? Tại sao để tình trạng này diễn ra hết năm này sang năm khác làm thiệt hại cho sản xuất, nông dân đã khó lại càng khó. Cần xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan".

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Tư duy cũ trọng cung hơn cầu nên chưa quan tâm khâu phân phối, lưu thông, bảo quản chế biến. Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này và phát huy vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các tham tán trong việc cung cấp thông tin, "đừng để nông sản thua trên sân nhà và cả ngoài nước mà ta mất nhiều công sức đàm phán".

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), nhiều năm qua, ngành nông nghiệp chỉ mới loay hoay chọn logo cho gạo, vì thế điệp khúc "được mùa mất giá" luôn là ám ảnh thường trực.

Thanh tra thiếu quyết liệt

Giải trình các ý kiến liên quan công tác thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Tuy nhiên, quý I/2017, tình hình có xu hướng tăng trở lại. Tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam.

Tổng thanh tra cho biết thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Luật Đất đai tại các địa phương; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và thực hiện công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Giơ biển tranh luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu dẫn chứng cơ quan này "thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả". Cụ thể, trong chương trình giám sát, ông ghi có những vụ nổi cộm như vụ Công ty CP Đầu tư Kim khí Hải Phòng kêu cứu từ năm 2015 do TP phê duyệt đề án làm Bến xe Thượng Lý theo đề án xã hội hóa Bến xe Tam Bảo nhưng sau đó lờ đi không thực hiện. Hoặc vụ tố cáo tham nhũng trong cổ phần hóa của Tổng Công ty Vận tải thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải. "Tôi không biết là các đồng chí ngâm những vụ này đến bao giờ?" - ông Nhưỡng đặt câu hỏi. 

Đều nhất trí bỏ biên chế

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ĐB dành sự quan tâm đặc biệt đến chủ trương thí điểm bỏ biên chế của ngành giáo dục và đề nghị Chính phủ cần cân nhắc kỹ.

Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành giáo dục đang có bất cập trong tuyển dụng do quy định tuyển dụng công chức, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công, dẫn đến thừa/thiếu cục bộ. Phần nhiều giáo viên có tâm lý vào biên chế cho ổn định nên rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng, đáp ứng chương trình mới. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đặt vấn đề chuyển dần từ công chức, viên chức sang hợp đồng. Theo đó, đề xuất thí điểm từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động với giáo viên, trước hết là thí điểm ở trường đại học và một số trường phổ thông có điều kiện. Sau đó, từng bước rút kinh nghiệm để nhân rộng. Bộ trưởng cho biết khi trao đổi vấn đề này với các đơn vị và các sở GD-ĐT thì đều nhận được sự nhất trí, dư luận cũng rất quan tâm và đồng hành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Nhung - Văn Duẩn - Nguyễn Quyết (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN