Tại sao khoán xe công cho lãnh đạo 16.000 đồng/km, cao hơn giá taxi?

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, giá khoán xe công áp dụng cho các chức danh theo quy định sẽ là 16.000 đồng/km. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức giá mà Bộ Tài chính đề xuất trên là quá cao so với giá taxi hiện hành.

Tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách với ô tô công do Bộ Tài chính tổ chức vào chiều 8/3, đại diện Bộ Tài chính đã nêu những thông tin mà dự thảo đưa ra để lấy ý kiến. Trong đó Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án thực hiện hình thức khoán kinh phí từ nơi ở đến nơi làm việc đối với các chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên gồm: thứ trưởng và tương đương, phó bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước.

Phương án thứ nhất là đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hoặc giảm trên 20%.

Tại sao khoán xe công cho lãnh đạo 16.000 đồng/km, cao hơn giá taxi? - 1

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án khoán kinh phí xe công theo mức thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng và theo đơn giá khoán 16.000 đồng/km. Ảnh minh họa

Phương án  hai là mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác. Đơn giá khoán là 16.000 đồng một km, được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng hoặc giảm trên 20%. 

Lý giải về việc Bộ Tài chính đề xuất mức khoán kinh phí xe công cho các chức danh là 6,5 triệu đồng/tháng, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), cho biết: “Bộ Tài chính đưa ra mức này là dựa trên việc kiểm chứng thực tiễn mà Bộ Tài chính đã thực hiện khoán xe công trong thời gian qua. Mỗi tháng có đồng chí cao thì 10.000 triệu đồng/tháng, còn thấp thì từ 2-3 triệu đồng/tháng. Do vậy, con số 6,5 triệu/tháng đã được tính toán và đây là con số tính bình quân khoảng cách từ cơ quan đến nhà riêng của các chức danh và thấy con số này tương đối phù hợp…”.

Riêng ở phương án thứ 2 mà Bộ Tài chính đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng mức khoán 16.000 đồng cho mỗi km là quá cao. Và Cục trưởng Trần Đức Thắng cũng thừa nhận, con số 16.000 đồng/km cao hơn giá taxi hiện nay tuy nhiên ông Thắng cho rằng, đưa ra mức giá này là Bộ đã cân đối trung bình.

“Hiện nay, giá taxi có hãng thấp, chỉ 7.000 – 8.000 đồng/km, cao thì có giá 12.000 đồng/km. Ở đây tính 16.000 đồng/km là theo tiêu chuẩn xe. Xe giá trị 1,1 tỷ đồng, 920 triệu đồng, 720 triệu đồng thì dự tính đưa ra phương án là 16.000 đồng/km. Hơn nữa, nếu tính theo tiêu chuẩn xe đang sử dụng có trị giá hơn 1 tỷ đồng và so với mức 320 triệu đồng nuôi xe công thì mức giá 16.000 đồng cho mỗi km chỉ tốn bằng một nửa. Đấy là chưa tính đến yếu tố giá xăng tăng lên 100 USD/ thùng, thì việc tính toán chi phí cũng sẽ phải thay đổi cho phù hợp với thực tế”, ông Thắng nói.

Theo đánh giá của Cục trưởng Trần Đức Thắng, việc thực hiện khoán xe công đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước, tạo dư luận tốt. Do đó tới đây, Bộ Tài chính dự định sẽ quản lý tài sản xe và lái xe, đồng thời điều chỉnh và giảm theo mức mới phù hợp.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, những con số đề xuất nói trên cần nghiên cứu thêm và xin ý kiến của nhiều Bộ, ngành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Yến (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN