Quy chế nhà cao tầng nội đô HN: Lại lo cơ chế xin–cho

Giữa thời điểm Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ngập úng nặng, ùn tắc giao thông, vi phạm trật tự xây dựng gay gắt thì việc tổ chức công bố “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình nhà cao tầng khu vực nội đô” có tác động lớn đến công tác quản lý đô thị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù quy chế đã có nhưng cái khó là thực thi đặc biệt là nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.

Quy chế nhà cao tầng nội đô HN: Lại lo cơ chế xin–cho - 1

Cao ốc chất dày vào nội đô khiến hạ tầng quá tải. Ảnh: Như Ý

Kiểm soát nhà cao tầng và dân cư nội đô

Tại Hội nghị công bố “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội” tổ chức ngày 27/5, nhiều ý kiến đánh giá đây là quy chế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý mong chờ. Quy chế này có tác động lớn đến công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đô thị của 5 quận trung tâm có liên quan.

Trong các đồ án quy hoạch, quy chế được Hà Nội triển khai xác lập trong 5 năm qua, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, đây là quy chế mà giới chuyên môn đánh giá là “nhạy cảm” và phức tạp bởi những tác động rất lớn đến khu vực lõi của Hà Nội.

“Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Do đó phải cẩn trọng và tính toán kỹ quy định rõ về mật độ xây dựng, chính sách trong việc tái định cư của người dân”.  

TS Đào Ngọc Nghiêm

Ông Bùi Mạnh Tiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội (QH-KT)- đơn vị chủ trì soạn thảo bản quy chế này cho biết, quy chế nhằm kiểm soát chiều cao công trình cao tầng theo yêu cầu, quản lý chiều cao tối đa cho phép xây dựng công trình nhà cao tầng. Quản lý không gian đô thị theo nguyên tắc với chiều cao công trình thấp dần với Vành đai 2. Hay việc quy định các khu vực không được phép xây dựng công trình cao tầng… Cụ thể như, khu vực Vành đai I, chiều cao tối đa công trình là 24 tầng, 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa 27 tầng, 97m; đường ven đê sông Hồng, chiều cao 21 tầng, 76m…

Quy chế nêu rõ các khu vực và giới hạn tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương (18 tầng); Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn… 24 tầng. Tóm lại với quy chế này, khu vực nội đô lịch sử là phần diện tích có quy mô khoảng 3.881 ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.

Đánh giá về tầm quan trọng của quy chế này, đại diện tổ soạn thảo cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội, bởi quy chế có độ phức tạp cao, liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau. Quy chế là công cụ để kiểm soát phát triển của khu vực nội đô, trong đó có cảnh quan kiến trúc, dân số, phục vụ cho công tác quản lý. Trước đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong nội đô (năm 2009), quyết định  này có hiệu lực thì các dự án ở trong khu vực có quy định điều tiết có cơ hội để làm rõ, nhà đầu tư biết để thực hiện cho đúng.

Có hạn chế được cơ chế xin-cho quy hoạch?

Điều đáng nói, trong lúc vấn đề cải tạo chung cư cũ của Hà Nội đang ách tắc, thì việc ban hành quy chế này được cho là giải pháp nhằm tháo gỡ. Với việc các khu chung cư cũ bị hạn chế chiều cao trước đây nay có thể được phép xây từ 18 đến 24 tầng. Tuy nhiên, không ít ý kiến đặt ra vấn đề nâng cao tầng có “nhồi” thêm cao ốc vào nội đô gây ra áp lực hạ tầng cho Hà Nội vốn đã như chiếc áo chật?

Quy chế nhà cao tầng nội đô HN: Lại lo cơ chế xin–cho - 2

Nhiều người hy vọng, với quy chế này sẽ giúp Hà Nội lập lại được những bất cập trong quy hoạch đô thị hiện nay.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, đây là một văn bản pháp lý đã được nghiên cứu nhiều năm, đã qua ít nhất 17 lần dự thảo với sự đóng góp của nhiều cơ quan, đặc biệt là nhiều chuyên gia. Trong quá trình xây dựng có các ý kiến trái chiều nhau nhưng thành phố đã xem xét và có quyết định cuối cùng.

Theo ông Nghiêm, công cụ quản lý nhà cao tầng nội đô đã có nhưng quan trọng là vấn đề kiểm soát, thực hiện thế nào. “Nâng chiều cao, tăng số dân cư sẽ có tác động rất lớn đến hạ tầng kỹ thuật của khu vực đó. Hạ tầng đã quá tải sẵn, giờ thêm dân vào ở nữa thì lại càng quá tải. Do đó phải cẩn trọng và tính toán kỹ quy định rõ về mật độ xây dựng, chính sách trong việc tái định cư của người dân”, ông Nghiêm lưu ý.

KTS Phạm Thanh Tùng- Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, từ nhiều năm nay cho dù các chỉ tiêu quy hoạch có thay đổi thì khu nội đô lịch sử vẫn là khu vực được xác định rõ mục tiêu hạn chế phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua quản lý quy hoạch rất kém. Người dân đã phải chứng kiến tình trạng các công trình cao tầng mọc lên một cách tràn lan tại các quận nội thành cũ. Những hệ lụy phát sinh là sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phá vỡ cảnh quan kiến trúc của phố cổ, phố cũ…

“Anh cho xây nhà cao tầng thì anh phải tính hệ thống thoát nước, hạ tầng xã hội phục vụ cho nó. Đây là việc quản lý quy hoạch kém nên dù mở rộng vẫn ngập, càng ùn tắc. Dạng quy hoạch trên giấy, cứ vẽ ra dạng quy hoạch 3D để làm đẹp lòng ai đó”, ông Tùng nói.

Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội nêu rõ một số khu vực hạn chế chiều cao nhưng lại có những “điểm nhấn” cho phép có công trình cao trên 40 tầng thậm chí 50 tầng. Điều này khiến dư luận đặt ra lo ngại về những công trình “điểm nhấn” này sẽ tạo ra cơ chế xin– cho quy hoạch. Lý giải về việc này, đại diện Tổ soạn thảo bản quy chế cho biết, trong quy chế đã có chỉ ra đích danh như từng nút giao thông rất cụ thể ở từng khu vực, từng khu phố. Trong đó cũng có những quy định về điều kiện đặc biệt là trên tuyến có những quy định riêng cho từng đoạn tuyến đó và kèm theo đó có những điều kiện riêng đi kèm.

“Trường hợp khác với các quy định này, ngoài vị trí và vượt quá quy mô cho phép, sẽ do UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”, vị này nói.

Theo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội nêu rõ một số khu vực hạn chế chiều cao nhưng lại có những “điểm nhấn” cho phép có công trình cao trên 40 tầng thậm chí 50 tầng. Điều này khiến dư luận đặt ra lo ngại về những công trình “điểm nhấn” này sẽ tạo ra cơ chế xin– cho quy hoạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tú Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN