Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng "né" cổ phần hóa

Sự kiện: Kinh Doanh

Bộ Tài chính cho biết 6 tháng đầu năm 2017 cổ phần hóa được 19 doanh nghiệp Nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa hiện nay còn chậm, các doanh nghiệp đã đăng ký chưa thực hiện đúng kế hoạch chủ yếu do tâm lý chây ỳ, ỷ lại của một số lãnh đạo doanh nghiệp.

Tiến độ cổ phần hóa còn chậm

Thông tin này được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi họp báo chuyên đề về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp chiều nay (29/6) tại Bộ Tài chính. 

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến cập nhật tình hình cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2017. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2017 đã tiến hành được 19 trường hợp. Tuy nhiên theo đại diện Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa còn chậm.

Ông Tiến cho biết: "Không phải chậm về số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa, chậm ở đây là về tiến độ thực hiện, có nhiều doanh nghiệp đăng ký mà không hoàn thành đúng kế hoạch".

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng "né" cổ phần hóa - 1

Tổng công ty Lương thực miền Nam bị bêu tên cổ phần hóa chậm tiến độ (Ảnh Internet)

Trong số đó có các công ty phát điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các doanh nghiệp con của Tập đoàn Công nghiệp Cao su đều đang chậm tiến độ cổ phần hóa. Ông Tiến cũng điểm danh Tổng công ty Lương thực Miền Nam nếu theo đúng tiến độ phải phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) từ năm 2016 nhưng đến nay mới tiến hành...

"Cổ phần hóa chậm tiến độ, nhiều doanh nghiệp đáng ra phải đến đích rồi vẫn chậm. Thực trạng chủ yếu do tâm lý chây ỳ, ỷ lại của một số lãnh đạo doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tới đây cổ phân hóa đều rất lớn khi sắp xếp lại chắc chắn có vấn đề trách nhiệm, do đó, nhiều lãnh đạo có tư tưởng né cổ phần hóa", ông Tiến nói.

Sẽ giải quyết tình trạng ngân hàng muốn giữ, Bộ Tài chính đòi thu cổ tức về

Về vấn đề vốn nhà nước, ông Đặng Quyết Tiền cho biết, cần thiết phải bổ sung sửa đổi luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, đặc biệt để tránh cổ đông nhà nước không được nhận cổ tức.

Ông Tiến đưa ra ví dụ hiện có những doanh nghiệp khi chia cổ tức chỉ chia cho các cổ đông nhỏ, còn cổ đông Nhà nước không được chia. Thực tế, việc giữ lại cổ tức của các cổ đông Nhà nước như vậy không đảm bảo nguyên tắc công bằng nhưng vẫn được thực hiện vì trong số cổ đông nhỏ đó có chính lãnh đạo của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tiến chia cổ tức cho cổ đông Nhà nước là việc phải làm, nếu doanh nghiệp không muốn chia phải có ý kiến rõ ràng. Vì cổ tức từ vốn đầu tư của Nhà nước theo nguyên tắc phải nộp về ngân sách đúng theo Luật quy định.

Tương tự, dự thảo mới đưa ra sẽ rút kinh nghiệm từ trường hợp của các ngân hàng có vốn Nhà nước gây tranh cãi với việc chi trả cổ tức cho cổ đông bằng phát hành cổ phiếu thưởng hay bằng tiền mặt thời gian qua. Bộ Tài chính từng đề nghị người đại diện vốn Nhà nước tại các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietin Bank, BIDV chi trả cổ tức bằng tiền mặt và chuyển về ngân sách Nhà nước nhưng đều chưa thực hiện được.

Vì vậy, tại Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính quy định, người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước phải báo cáo xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu và sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu và thống nhất với Bộ Tài chính việc phân chia phần lợi nhuận còn lại.

Như vậy, theo ông Tiến sẽ tránh trường hợp một số doanh nghiệp muốn tăng vốn bằng lợi nhuận để lại nhưng ở góc độ Nhà nước, việc tăng vốn này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ tăng quy mô vốn sở hữu tại doanh nghiệp đó. Trong khi một số trường hợp còn phải thoái vốn chứ không phải là tăng quy mô vốn sở hữu lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nam Anh (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN