Người mua vàng đang bị ăn gian, móc túi ra sao?

Người tiêu dùng đang bị móc túi số tiền không nhỏ bởi tình trạng gian lận tuổi vàng.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KH&CN cho biết Bộ đang triển khai thanh tra, kiểm tra diện rộng trên địa bàn cả nước về chất lượng vàng và tuổi vàng. Cuộc tổng thanh tra này được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 9-2016 nhằm làm minh bạch hóa thị trường, chấn chỉnh lại việc sản xuất kinh doanh vàng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Móc túi người tiêu dùng

bước đầu lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vàng kém chất lượng. Cụ thể, kiểm tra 1.718 cơ sở sản xuất kinh doanh vàng, phát hiện có 432 vi phạm với tổng số vàng trang sức bị xử lý vi phạm là 4.013 sản phẩm (lắc, vòng, nhẫn…), 170 phương tiện đo bị xử lý vi phạm.

Sai phạm phổ biến là sử dụng cân không kiểm định; chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng “có vấn đề”; chất lượng vàng không đạt so với công bố... Chẳng hạn nhiều cơ sở bán vàng 24K với hàm lượng vàng được công bố là 98% nhưng kết quả kiểm định đạt 93,5%, thậm chí có mẫu chỉ đạt hơn 65%. Đối với vàng 18K, cơ sở kinh doanh vàng công bố hàm lượng vàng 75% nhưng kiểm định chỉ đạt 65%-73%.

Với vàng kém chất lượng như trên, người tiêu dùng đang bị móc túi số tiền không nhỏ. Trong vai một khách hàng, chúng tôi nhờ một cửa hàng tại quận 2, TP.HCM đo hàm lượng vàng của chiếc lắc tay một lượng, loại vàng 18K đạt chuẩn 75% vừa mua ở một cửa hàng khác không lâu. Sau một hồi kiểm tra, màn hình máy tính hiện ra con số 68%. Tính ra với giá vàng 18K ngày 10-8 được mua vào ở mức 25,7 triệu đồng/lượng thì chúng tôi bị mất gần 1, 8 triệu đồng.

Cùng chung “cảnh ngộ”, bà Nguyễn Thị Hằng nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cho hay từ trước tới giờ bà thường mua vàng nữ trang ở tiệm nào thì bán lại ở tiệm đó. Tuy nhiên, cũng có vài lần vì cần tiền gấp, không thể chạy đến tiệm vàng đã mua (vì ở xa nhà) nên đành bán tại cửa hàng vàng khác.

“Những lúc như thế, tôi cũng phải chịu cảnh ép giá, vì họ nói tuổi vàng thấp hơn so với tiêu chuẩn mà cửa hàng tôi đã mua công bố. Khi thắc mắc thì chủ tiệm vàng giải thích là tùy từng tiệm, mua tiệm uy tín thì người ta làm đúng mà không uy tín thì phải chịu thiệt. Cho nên nếu không quá gấp gáp về thời gian, tôi sẽ bán lại tại chính tiệm đã mua để đỡ mất tiền oan” - bà Hằng chia sẻ.

Người mua vàng đang bị ăn gian, móc túi ra sao? - 1

Người mua vàng nên đến những địa chỉ quen thuộc, có uy tín lâu năm để được vàng đúng tuổi. (Ảnh chụp chiều 10-8) Ảnh: HTD

Giảm chất lượng vàng để bù đắp

Lý giải về chuyện ăn gian tuổi vàng và ăn gian trọng lượng, đại diện một cơ sở kinh doanh vàng nói nguyên nhân một phần là do các DN cạnh tranh nhau bằng cách giảm giá gia công, cộng thêm phần hao hụt vàng trong quá trình sản xuất và các khoản chi phí này được đẩy vào việc giảm chất lượng vàng để bù đắp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Trần Thanh Hải lý giải thêm: “Có một thực tế đáng buồn là những cửa hàng sản xuất kinh doanh vàng nữ trang nhỏ lẻ làm vàng đúng tuổi, đúng trọng lượng thì ít có người mua. Bởi lẽ làm vàng nữ trang đúng tuổi, đúng trọng lượng bắt buộc phải nâng giá tiền công làm lên mà như vậy thì không cạnh tranh nổi với những cửa hàng khác”.

Hơn nữa tiền công thợ chế tác quá rẻ mạt, nhiều khi công sức bỏ ra làm ra một chiếc nhẫn mà chỉ có vài chục ngàn đồng, bằng một tô phở. Không được tính tiền công xứng đáng nên các chành (lò) sản xuất vàng sẽ gian lận hàm lượng vàng để bù lại. “Chính vì tâm lý thích mua của rẻ cũng là nguyên nhân khiến việc ăn gian tuổi vàng và trọng lượng trở nên khá phổ biến như hiện nay” - ông Hải nói.

Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Từ đó họ buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường. Điều này đã đặt doanh nghiệp đối diện với thực tế là có thể dính vàng giả, vàng nhái do các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng vàng trang sức kém chất lượng có cơ hội tồn tại.

Cần sửa đổi

Để bảo vệ người mua vàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Trần Thanh Hải đề xuất đối với các cửa hàng vàng đăng ký mới thì ngay từ khi họ đăng ký cấp phép, cơ quan hữu quan cần yêu cầu chủ cửa hàng phải ký cam kết sản xuất kinh doanh vàng đúng tuổi, đúng trọng lượng và nếu vi phạm là sẽ bị phạt thật nặng. Đồng thời cần xây dựng văn minh cân đúng, làm đúng trong ngành sản xuất kinh doanh vàng.

Hiệp hội Kinh doanh vàng mới đây cũng đã đề nghị Bộ KH&CN đánh giá lại những quy định tại Thông tư 22/2014 của Bộ về quản lý chất lượng vàng. Qua đó để sửa đổi, bổ sung những điều khoản không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nâng cao chất lượng vàng lưu thông trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi của những doanh nghiệp làm ăn chính đáng và của người tiêu dùng.

để thiết lập lại trật tự thị trường vàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Nam Hải cho hay: “Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong đó bổ sung thêm các hành vi vi phạm về lưu thông vàng trang sức và mỹ nghệ”.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị tại các trung tâm kiểm định được nhà nước cấp phép và chỉ định cần đầu tư đầy đủ các loại máy hiện đại để khách hàng có thể kiểm tra chất lượng vàng.

8% vàng không đủ tuổi

Tại buổi làm việc với Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai mới đây về công tác quản lý chất lượng vàng, ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, khẳng định: Trên thị trường vàng hiện nay có 3%-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch trong công tác công bố chất lượng vàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước đó, từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh vàng và phát hiện 47 cơ sở vi phạm chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Sở đã xử phạt các cơ sở này gần 1,2 tỉ đồng.

Tương tự, trên địa bàn TP.HCM, qua thanh tra, kiểm tra các cửa hàng sản xuất, kinh doanh vàng nữ trang và mỹ nghệ, Sở KH&CN TP.HCM đã phát hiện 24/31 doanh nghiệp vi phạm. Đáng chú ý trong 10 mẫu vàng đã có kết quả thử nghiệm thì bốn mẫu có chất lượng không phù hợp tiêu chuẩn công bố.

_________________________________________

Những đơn vị lớn thường không dại gì ăn gian tuổi vàng để đánh mất giá trị thương hiệu mà họ đã dày công xây dựng. Do vậy, khách hàng nên mua ở những đơn vị uy tín, có tên tuổi.

Bà NGUYỄN THỊ CÚC, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN